“Tiết học Biên giới” dường như đã trở thành một điều gì đó khá quen thuộc với các học sinh ở tất cả các điểm của trường Tiểu học và Trung học cơ sở 2 xã A Ngo và A Bung, huyện Đarông. Đây là mô hình được các đoàn viên thanh niên bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay - Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị khởi xướng và triển khai thực hiện.

 

Việc bám dân, bám địa bàn công tác là việc làm thường xuyên, có tính sống còn của lực lượng Bộ đội Biên phòng. Hơn 3 năm gần dân nơi miền biên viễn, Đại úy Nguyễn Duy Thánh và những đoàn viên, thanh niên của đơn vị không nhớ nổi mình đã về với bản làng người dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô nơi miền Tây biên cương Quảng Trị bao nhiều lần, để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu biết về pháp luật, về chính sách, về những thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc nhằm chia rẽ “ý Đảng với lòng dân” và cả những phương pháp chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, dựng xây bản làng no ấm… Trong một lần đến giao lưu với các em học sinh trường Tiểu học và Trung học cở sở xã A Ngo cách đây 2 năm, khi những chiến sĩ Biên phòng đặt ra câu hỏi “Có em nào cho biết vì sao các chú BĐBP phải đi tuần tra để bảo vệ biên giới không?” thì có rất ít cánh tay giơ lên xung phong trả lời, những cháu học sinh lớp 9 được mời trả lời câu hỏi cũng chưa có nhiều hiểu biết về biên giới. Từ lần đi giao lưu ấy đã làm cho những cán bộ trẻ như Thánh có rất nhiều suy nghĩ. Vậy là ý tưởng đưa kiến thức về biên giới vào trường học được hình thành, để rồi trở thành quyết tâm của tuổi trẻ đơn vị.




Đoàn viên thanh niên bộ đội Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đang giảng bài cho các em học sinh
trong "Tiết học Biên giới"


 

Khó khăn lớn nhất là việc xây dựng tài liệu, giáo án để giảng dạy. Chưa một ai được đào tạo về phương pháp soạn thảo giáo án và giảng dạy cho các em học sinh từ lớp một đến lớp chín. Đưa vấn đề gì, giáo dục vấn đề gì quả thật không hề đơn giản. Năm lần, bảy lượt soạn thảo thì cũng từng ấy lần phải bỏ đi làm lại từ đầu. Mỗi lần soạn xong, xin thầy cô giảng thử nhưng kết thúc tiết học, khi hỏi lại chẳng có em học sinh nào hiểu và nhớ các chú bộ đội biên phòng nói gì. Không nản chí, những đồng chí được cử trực tiếp giảng dạy lại từng ngày, từng đêm đến gặp trực tiếp các thầy, cô giáo có kinh nghiệm để được tư vấn. Sau nhiều ngày trăn trở, cuối cùng một bộ giáo án điện tử về những nội dung liên quan đến biên giới sử dụng cho các em học sinh từ lớp một đến lớp chín với thời lượng hơn 45 phút cũng đã hoàn thành và đưa vào triển khai dạy thử nghiệm, từ đó giúp các em học sinh một phần hiểu được vấn đề, hiểu được trách nhiệm của bản thân trong bảo vệ biên giới.

 

Mô hình “Tiết học biên giới” hiện đang được những đoàn viên, thanh niên giảng dạy ngoại khóa cho toàn bộ các điểm trường cho học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở của 2 xã A Ngo và A Bung và bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của các em học sinh, của cả đội ngũ giáo viên về chủ quyền biên giới đã được nâng lên đáng kể. Thầy giáo Võ Việt Tiến - Giáo viên dạy lớp 5 điểm trưởng bản La Lay, xã A Ngo, người đã gắn bó với các em học sinh vùng cao biên giới 22 năm tâm sự “Việc các anh ở đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay đem “Tiết học biên giới” vào giảng dạy cho các em học sinh trong giờ học ngoại khóa là một việc rất cần thiết, trang bị sớm cho các em những từ, những khái niệm về biên giới là vô cùng giá trị, ngay như giáo viên chúng tôi khi nắm được kiến thức, hiểu sâu về lĩnh vực này cũng rất bổ ích”. Hay như lời khẳng định của thầy giáo Hoàng Quang Cẩn - Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã A Ngo “Đây là tiết học ngoại khóa có ý nghĩa hết sức to lớn và mang tính nhân văn, không chỉ cho học sinh mà còn cho cả những thầy, cô giáo như chúng tôi. Đây là một mô hình rất mới và rất cần được nhân rộng trong thời gian tới vì không phải ai làm việc nơi địa bàn biên giới cũng hiểu sâu về biên giới. Ví như chẳng sẽ mấy ai lý giải được tại sao mốc quốc giới lại được làm bằng đá hoa cương nguyên khối và phải đặt đúng ở vị trí đó nếu như không được tiếp cận, tích hợp từ những điều rất cụ thể”.

 

Thời gian triển khai “Tiết học biên giới” của tuổi trẻ đồn Biên phòng CKQT La Lay mới chỉ chưa tròn 2 năm song hiệu quả đạt được là rất khả quan. Tuy nhiên như Trung tá Nguyễn Bá Duyệt thì “Thời gian tới để tiết học đạt hiệu quả cao hơn thì việc xây dựng giáo án phải chia theo từng khối cụ thể. Mặt khác cũng cần phải có những lần tổ chức cho các thầy, cô giáo tham gia tuần tra biên giới cùng BĐBP giúp các thầy, cô tích hợp thêm kiến thức từ thực tế để truyền đạt cho các em học sinh”.

 

Mô hình “Tiết học biên giới” do đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở đồn Biên phòng CKQT La Lay triển khai càng khẳng định thêm vai trò của tuổi trẻ trong xung kích, đi đầu trong các hoạt động, luôn khát khao được cống hiến và vươn xa.

 

Nguyễn Thành Phú (MT)

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 1749

Hôm nay: 3,322

Tổng lượt truy cập: 588,242

Liên hệ Facebook Đăng nhập