Nhờ chăm chỉ, ham tìm hiểu kiến
thức, biết tận dụng thế mạnh của địa phương, nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN)
tại huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã vươn lên trở thành những tấm gương làm
kinh tế giỏi khi tuổi đời còn rất trẻ, nêu gương sáng trong phong trào lập
thân, lập nghiệp của thanh niên nông thôn.
Xuất thân từ vùng biển Triệu An,
Triệu Phong, anh Nguyễn Văn Khánh (32 tuổi) không chỉ là một đoàn viên nhiệt
tình, năng nổ, sáng tạo mà còn là một tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu
trên mảnh đất quê hương. Giấc mơ có một công việc văn phòng dang dở ngay những
ngày anh đang học lớp 9 vì nhiều lý do. Từ đó, Khánh làm đủ nghề từ phụ xe, làm
ruộng, buôn bán để phụ giúp kinh tế cho gia đình. Trước khi nuôi tôm thẻ chân
trắng, anh Khánh bắt tay vào việc làm trang trại nhưng hiệu quả kinh tế không
cao. Đầu năm 2010, với 200 triệu đồng từ người thân và bạn bè hỗ trợ, anh đầu
tư mua 1 triệu con tôm giống. Bỏ công chăm sóc và kỳ vọng rất nhiều vào lứa
giống đầu tiên, nhưng do kinh nghiệm còn non nên đã không mang lại hiệu quả như
mong đợi. Tuy vậy, anh không nản chí mà tiếp tục học tập kiến thức từ sách báo
cũng như đi nhiều trang trại tại Quảng Bình, Đồng Nai, Bình Thuận… để học hỏi
kinh nghiệm. Sau một thời gian, việc nuôi tôm thẻ chân trắng của anh dần dần
khởi sắc. Hiện tại, cơ sở nuôi tôm của anh hàng năm thu được 45 tấn và là đầu
mối cung cấp tôm uy tín cho nhiều cửa hàng cũng như Công ty cổ phần chăn nuôi
C.P Việt Nam.

Mô hình nuôi cá trên cát của thanh niên Triệu Phong
Anh luôn nhiệt tình chia sẻ kinh
nghiệm, tạo công ăn việc làm ổn định với mức lương 4 triệu đồng/tháng cho 5
nhân công trong trang trại. Chia sẻ về mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn
Khánh, anh Lê Ngọc Anh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Triệu An cho biết: “Mô hình
của anh Khánh là một điển hình để đoàn viên thanh niên học tập noi theo. Anh
Khánh cũng là một đoàn viên xuất sắc, gương mẫu, luôn tham gia tích cực các
hoạt động đoàn tại địa phương”.
Bí thư chi đoàn năng động, sáng
tạo
Với ý chí dám nghĩ dám làm và nhạy bén tiếp thu khoa học - công nghệ, kỹ thuật trong chăn nuôi, anh Trần Quốc Quý (34 tuổi) ở thôn An Lưu, xã Triệu Sơn, Triệu Phong đã mạnh dạn đầu tư mô hình mô hình vườn, ao, chuồng, ruộng (VACR). Đến nay mô hình này đã thực sự đem lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi trong địa phương. Đây cũng là mô hình được quy hoạch quy củ nhất trong các mô hình phát triển kinh tế VACR của đoàn viên thanh niên Triệu Phong.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm
Huế, không như các bạn cùng trang lứa ra trường đi dạy học hoặc kiếm một công
việc ổn định để làm, anh Quý vẫn mơ ước có một ngày xây dựng riêng cho
mình một mô hình phát triển kinh tế theo hướng VACR để làm giàu ngay
chính trên quê hương.
Năm 2010, ước mơ của anh thành
hiện thực khi được bố mẹ ủng hộ mua gần 3 héc ta đất canh tác. “Kinh
doanh không nhận thấy thời cuộc, không có quy hoạch tốt thì việc thất
bại là chuyện thường tình”, đó là bài học anh Quý rút ra sau thất bại
đầu tiên. Không chịu bó tay trước thất bại, anh chuyển hướng nuôi gà
đen (gà ác), gà Đông Tảo, gà liên minh, bò, cua đá và tận dụng tối đa
diện tích 6.000 m2 mặt nước nuôi thả các loại cá. Đây là hướng đi
hoàn toàn mới bởi chăn nuôi gà đen và gà Đông Tảo, gà liên minh đơn lẻ trong
khu vực rất nhiều nhưng quy mô lớn thì chưa có hộ gia đình nào làm.
Học hỏi, nghiên cứu tài liệu từ sách vở, mạng internet bước đầu giúp
anh gặt hái được thành công.
Đến nay mô hình trang trại của
gia đình anh có 170 con gà, 30 con bò, gần 400 con bồ câu, 50kg giống cua đá,
ao cá cho thu hoạch gần 6 tấn/năm và trên 2 ha lúa. Sau 4 năm, trang trại
của anh cho thu nhập bình quân từ 100-130 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3
lao động thường xuyên, 5 đến 7 lao động theo thời vụ với mức lương bình
quân 2,5 triệu đồng/tháng.
Anh Quý cho biết, hiện nay anh
đang kết hợp với đồng nghiệp thử nghiệm nuôi giun quế, đây là loại thức
ăn giàu đạm cho gia súc, gia cầm. Thành công của mô hình này sẽ là nền tảng
để tăng số lượng đàn gà và sản lượng cá trong ao.
Anh cũng đang triển khai xây dựng nhà hàng kinh doanh các món ăn đặc sản để phát triển mô hình kinh tế của mình.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ gia đình, Trần Quốc Quý còn là Bí thư Chi đoàn thôn năng động. Anh đã tham mưu với lãnh đạo địa phương để chi đoàn đã đứng ra đảm nhiệm việc nạo vét các công trình thủy lợi tại các thôn trong xã, xây dựng công trình tạo cảnh quan nông thôn, công trình “Điện sáng đường quê”...
Với những thành tích đó, Trần
Quốc Qúy đã được BTV Huyện đoàn Triệu Phong tặng nhiều giấy khen và BTV
Tỉnh đoàn tặng giải thưởng Bí thư chi đoàn xuất cấp tỉnh năm 2014.
Đang truy cập: 418
Hôm nay: 2,075
Tổng lượt truy cập: 1,090,613