Thanh niên ven đô làm giàu từ rừng

Đối với phong trào đoàn tại các đơn vị cơ sở, thiếu kinh phí hoạt động luôn là một trong những vấn đề nan giải. Nhưng không chờ nguồn kinh phí được cấp để tổ chức các hoạt động phong trào, Chi đoàn Khe Lấp, phường 3, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tự tạo nguồn kinh phí hoạt động và làm giàu cho chính mình bằng mô hình kết hợp giữa trồng rừng, nuôi ong lấy mật và thử nghiệm trồng cây thanh long ruột đỏ trên chính mảnh đất quê hương.

Câu chuyện về mô hình trồng rừng của Chi đoàn Khe Lấp được bắt đầu từ sáu năm trước và từ chỗ còn gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn vốn hoạt động, các phong trào đoàn có phần trầm lắng thì giờ đây, từ nguồn quỹ ý nghĩa do chính mình tạo nên, các hoạt động của chi đoàn nơi miền đồi núi này đã trở nên sôi nổi và năng động hơn trước rất nhiều.

Năm 2008, nhận thấy một diện tích lớn đất gò đồi bị bỏ hoang, thanh niên Khe Lấp đã mạnh dạn đề xuất với chính quyền địa phương được sử dụng diện tích đất này để trồng rừng. Bước đầu, 8 đoàn viên thanh niên đóng góp mỗi người 300.000 đồng mua các loại cây giống và bắt tay vào công việc.

Vườn cây thanh long ruột đỏ của Chi đoàn Khe Lấp

Qua tìm tòi, học hỏi và được sự tư vấn của cán bộ lâm nghiệp tỉnh, chi đoàn đã mạnh dạn trồng 1 ha rừng tràm, một loại cây dễ thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và phù hợp với đất rừng nơi đây. Gần hai tháng chung sức, trên mảnh đất khô cằn sỏi đá đã mọc lên những mầm cây xanh tốt.

Từ ngày trồng cây, đoàn viên chi đoàn luân phiên nhau chăm sóc, định kỳ mỗi tháng một lần, cả chi đoàn cùng nhau phát dọn, chăm sóc khu rừng. “Rừng tràm thanh niên”, cái tên mà người dân ở đây ưu ái đặt cho rừng cây của chi đoàn lớn dần trong sự chăm sóc và chờ đợi của mọi người. Tháng 5/2012, nhận thấy cây đã đến ngày cho thu hoạch, Chi đoàn Khe Lấp quyết định bán rừng. Tổng số tiền thu được từ rừng cây hơn 70 triệu đồng.

Chị Lê Thị Ngọc, đoàn viên chi đoàn chia sẻ: “Chưa bao giờ quỹ đoàn của chúng tôi lại lớn như thế. Có lẽ lâu lắm rồi, chúng tôi mới lại tràn ngập không khí vui tươi và phấn khởi như vậy”.

Mô hình trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc của Chi đoàn Khe Lấp không chỉ đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo nguồn quỹ lớn cho các hoạt động của chi đoàn mà còn tạo nguồn quỹ giúp đỡ các ĐVTN chi đoàn phát triển kinh tế. Từ số tiền thu được hơn 70 triệu đồng, một phần chi đoàn gửi ngân hàng để sinh lãi hàng tháng, tạo nguồn quỹ cho các hoạt động của tuổi trẻ Khe Lấp, một phần được dùng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ĐVTN chi đoàn vay phát triển kinh tế. Nhờ có nguồn quỹ này, mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được hai thanh niên chi đoàn mạnh dạn đầu tư phát triển và đã cho kết quả tích cực.

Năm 2012, được tham gia lớp tập huấn nuôi ong lấy mật do phường tổ chức, nhận thấy nuôi ong phù hợp với đặc điểm của vùng gò đồi với diện tích phần lớn là cây tràm, hoa tràm cho lượng mật lớn, bên cạnh đó còn được tiếp cận nguồn vốn vay từ quỹ trồng rừng của Chi đoàn Khe Lấp, hai đoàn viên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường đã chủ động đi đầu trong phong trào phát triển mô hình nuôi ong lấy mật tại địa phương.

Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp với nhiều khó khăn, vất vả, anh Hùng chia sẻ: “Ban đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi không dám đầu tư nhiều mà chỉ nuôi vài chục đàn, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm”. Đến nay, sau 2 năm vừa học hỏi vừa nuôi ong, mô hình nuôi ong lấy mật của hai anh đã có hơn 400 đàn ong.

Anh Cường cho biết: “Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và dày công chăm sóc. Hơn nữa người nuôi cần biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào, phải am hiểu về đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, am hiểu về các loài hoa, mùa hoa tràm nở, mùa con ong đi lấy mật”.

Từ nguồn vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, đến nay mô hình nuôi ong lấy mật của hai đoàn viên Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Cường đã cho thu hoạch từ 2 đến 3 tấn mật ong mỗi năm, với lãi thu được hơn 100 triệu đồng. Hai anh đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của vùng gò đồi Khe Lấp vốn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Không chỉ dừng lại ở đó, sự năng động, nhiệt huyết trong tham gia phát triển kinh tế, góp phần gây quỹđoàn và làm giàu cho quê hương của Chi đoàn Khe Lấp còn khiến nhiều người khâm phục bởi mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, loại cây chưa từng được thử nghiệm ở vùng đất khô cằn sỏi đá nơi đây. Với tinh thần “Tuổi trẻ xung kích phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương”, tháng 2/2013, khi được cán bộ nông nghiệp tỉnh về tập huấn mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, chi đoàn đã mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương được sử dụng 3.000 m2 đất bỏ hoang gần nhà cộng đồng Khe Lấp để trồng thử nghiệm 200 cây.

Đến nay, sau hơn 1 năm, vượt qua những khó khăn về nắng nóng khô hạn của thời tiết, sự lo lắng về sâu bệnh, sự trông chờ của những đoàn viên đã được đền đáp khi mùa đầu tiên phần lớn 200 cây thanh long ruột đỏ của chi đoàn đều đang ra hoa kết trái đúng mùa vụ, không phụ công người chăm sóc. Dự tính 200 cây thanh long ruột đỏ nằm trong mô hình phát triển kinh tế gây quỹ đoàn của Chi đoàn Khe Lấp sẽ mang lại giá trị khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Với tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm đó, mô hình trồng rừng kết hợp nuôi ong và trồng cây thanh long ruột đỏ của Chi đoàn Khe Lấp vinh dự là 1 trong 20 công trình thanh niên được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác tỉnh Quảng Trị lần IV, năm 2013, trở thành mô hình điển hình về thanh niên nỗ lực tự mình xây dựng phong trào và giúp nhau phát triển kinh tế ở thành phố Đông Hà.

Có thể nói, với ý chí, nghị lực và khát vọng làm giàu của tuổi trẻ, Chi đoàn Khe Lấp đã biến đất đồi khô cằn ban đầu thành một vườn cây xanh tốt, không chỉ gây được quỹ đoàn mà còn góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Thúy An 

 

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 57

Hôm nay: 283

Tổng lượt truy cập: 917,788

Liên hệ Facebook Đăng nhập