Thực hiện vai trò “Đồng hành với thanh niên trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần”, nhằm định hướng lý tưởng sống cho đoàn viên thanh niên, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trên cơ sở cụ thể hóa cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, vừa qua, BCH Đoàn trường THPT Vĩnh Định (Triệu Phong, Quảng Trị) đã tổ chức ngày hội văn hóa dân gian (VHDG) lần thứ 2 với sự tham gia của tất cả các thầy cô giáo và học sinh toàn trường với nhiều nội dung, trò chơi dân gian phong phú như: Đua thuyền trên cạn, đi qua cầu khỉ, chuyền nước tiếp sức, các gian hàng hội chợ làng quê, tiếng hát dân ca... thực sự trở thành ngày hội của thầy và trò nhà trường.
Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, ngày hội VHDG thực sự đã tạo nên được một không gian đậm đà bản sắc dân tộc, không khí tươi vui, hồ hởi. Các em học sinh đã được thi thố tài năng của mình qua các trò chơi dân gian. Những tiếng cười đùa, cổ vũ cho bạn bè lan tỏa khắp sân trường. Em Trần Thị Hoa Hậu, lớp 12A1, chia sẻ: "Hiện nay, việc tiếp cận VHDG đối với chúng em rất ít bởi thực sự chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp. Nhưng sau khi được tham dự Ngày hội VHDG do Đoàn trường tổ chức, em như được hòa mình vào đời sống văn hóa dân tộc. Từ đây em sẽ tìm hiểu nhiều hơn về VHDG, mong rằng Đoàn trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động như thế này để không chỉ em mà các bạn khác đều có điều kiện hiểu biết thêm về dân tộc mình”.
Có lẽ thu hút các em học sinh lẫn các vị khách mời là khu vực các gian hàng hội chợ làng quê với các món ăn và thức uống dân dã, hết sức học trò. Các lều chợ được học sinh dựng lên bằng tre, trúc, lá tro, lá đùng đình thật đa hình, đa dạng và đẹp mắt. Mỗi lều chợ, gian hàng đều có một người giới thiệu sản phẩm, hàng hóa quê hương. Người bán hàng mang trang phục dân gian cổ truyền: Yếm đào, áo bà ba, áo tứ thân, áo the đen, quần lĩnh, khăn đóng... Không gian khu chợ gợi cho chúng ta một cảm giác rất thân thuộc và yên bình của làng quê Việt Nam. Chỉ với năm nghìn đồng các em có thể chọn cho mình những chiếc bánh rán, những ly chè ngọt, những đồ vật lưu niệm rất xinh xắn… do chính bạn mình làm. “Ngày hội VHDG đã tạo cho chúng em sân chơi bổ ích và có ý nghĩa. Chúng em đã hòa mình cùng nhịp đập của cuộc sống dân gian một cách tự nhiên, háo hức. Những sản phẩm chúng em tự tay làm được, những ý tưởng chúng em đã xây dựng, những cảm xúc mà chúng em có được thật khó diễn tả. Mong rằng những năm tới, chúng em lại có dịp được sống trong những cảm giác như thế này nữa”, em Nguyễn Thị Nhung, lớp 10B2 tâm sự.
Điểm nhấn của ngày hội là đêm “Tiếng hát dân ca” với những bài hát, điệu múa mang âm hưởng dân ca đã được các em học sinh chuẩn bị kỹ càng để dự thi, với hình ảnh cánh cò, cây đa, bến nước trong mỗi câu hát đã thực sự mang đến cho người xem một cảm giác sâu lắng hướng về cội nguồn dân tộc. Em Nguyễn Thị Phương Tuyền, lớp 11B4, một trong những bạn trình bày tổ khúc dân ca “Vĩnh Định yêu thương” đạt giải nhất, chia sẻ: “Trước đây, nhắc đến VHDG là em liên tưởng đến ngay cái gì đó cổ hủ, lạc hậu, không hợp thời đại. Nhưng sau khi cùng các bạn luyện tập hát dân ca với sự chỉ bảo nhiệt tình của giáo viên chủ nhiệm, bây giờ với em, VHDG thật gần gũi và ý nghĩa. Em sẽ cố gắng tập thêm nhiều làn điệu dân ca quê mình để sau này có thể trở thành một nghệ nhân gìn giữ các làn điệu này”.
Kết thúc ngày hội, các em học sinh đã có được những phút giây giao lưu, học hỏi và thể hiện các kỹ năng của mình trước bạn bè. Các thầy cô giáo cũng có dịp gần học trò hơn, hiểu những tâm tư, nguyện vọng của các em hơn. Các phụ huynh học sinh tham gia cùng nhà trường bày tỏ sự hài lòng và đề nghị trường nên tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa như thế này để tạo sự gắn kết giữa gia đình và nhà trường cũng như góp phần giáo dục kỹ năng sống cho các em.
Việc đưa văn hóa dân gian vào trường học đã thực sự góp phần giáo dục truyền thống về cội nguồn cho học sinh, giúp các em hình thành nên những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi của mình. Thầy giáo Lê Xuân Vũ, Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Qua những hoạt động cụ thể, các em chủ động tham gia và sống trong VHDG mà không có cảm giác gò bó, bắt buộc, từ đó các em nhận thấy rằng VHDG không khô khan, lỗi thời như các em nghĩ. Các em sẽ tự hình thành ý thức bảo vệ và trân trọng vốn văn hóa đậm đà của quê hương khi đã hiểu và biết về nó, đó là điều mà chúng tôi mong muốn đạt được qua những hoạt động như thế này”.
Bài, ảnh: TRẦN KHÔI
Đang truy cập: 82
Hôm nay: 4,757
Tổng lượt truy cập: 927,103