Sau nhiều năm vào miền Nam lập nghiệp anh Hoàng Công Mê Sang, thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, Hải Lăng (Quảng Trị) đã quyết định trở về quê để thực hiện giấc mơ trồng rừng của mình. Và nghị lực, quyết tâm ấy của Sang đã góp phần làm cho đất trở mình sinh lợi...
Chúng tôi đến thôn Xuân Lâm, trước mắt tôi hiện ra những cánh rừng phủ xanh bạt ngàn, len lỏi mãi chúng tôi mới tìm đến được ngôi nhà của anh nằm ở giữa rừng, những vườn cây cao su bốn năm tuổi xanh tốt, vườn ổi lúc lỉu quả, tiếng chim hót đã làm cho tôi quên đi cái nắng và mệt mỏi vừa mới trải qua trên đoạn đường từ Đông Hà vào đến Hải Lăng.
|
Hoàng Công Mê Sang bên vườn cao su 4 năm tuổi |
Thời gian trước, ở đây chỉ toàn là đồi trọc và cỏ hoang. Vùng đất Xuân Lâm quê anh cũng như những xã vùng tây của huyện Hải Lăng còn nghèo lắm. Người dân ở đây từ bao đời sống chủ yếu bằng nghề nông. Chứng kiến cảnh lúc nông nhàn, bà con vào rừng kiếm củi, chặt phá rừng tự nhiên, rừng dần dần chỉ còn cỏ hoang, đồi trọc, mùa lũ thì bị nước ngập tràn, không chấp nhận với thói quen cũ kỹ hằn sâu trong nếp sống, nếp nghĩ của người nông dân, anh trăn trở tìm hướng đi mới để làm giàu vốn rừng cho quê hương, lấy rừng để nuôi sống mình.
Sau nhiều năm vào miền Nam làm công nhân cạo mủ cao su, nỗi nhớ và khát vọng lập nghiệp ở quê nhà cứ thôi thúc anh trở về. Anh đã cùng với người vợ trẻ, chị Nguyễn Thị Vỹ, người con gái của miền Nam quyết tâm về quê chồng lập nghiệp, với ước mơ cháy bỏng làm xanh hơn những vườn đồi ở Hải Lăng.
Về quê, hai vợ chồng tự khai hoang và nhận thêm đất trồng rừng. Những ngày đầu hai vợ chồng phải cật lực lăn lộn ngoài vườn đồi để phát hoang, anh mạnh dạn vay ngân hàng 30 triệu đồng để trang trải chi phí bước đầu. Hai vợ chồng dựng một căn nhà tạm ở ngay giữa rừng để lập nghiệp.
4 năm trời, 2 vợ chồng Sang chăm chỉ, bền chí lăn lộn với vùng đất đồi, để hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. Trước hết hai vợ chồng tập trung công sức phát triển kinh tế trang trại mà theo anh là bằng mọi cách để làm cho đất nơi đây “trở mình” sinh lợi. Anh mạnh dạn nhận trồng 4 ha cao su, 2 ha tràm, hơn 3 ha sắn. Đất không phụ công người cần mẫn, những khu vườn mà vợ chồng anh dày công chăm sóc cứ thế lên nhanh, phát triển tốt, phát tán xanh ngắt cả một vùng.
Bên cạnh đó anh còn đầu tư thả 2 ao cá, nuôi 5 con lợn nái để nhân giống, chăn nuôi thêm gà, vịt gần 300 con và làm ruộng. 4 năm trời hai vợ chồng tích lũy được bao nhiêu vốn đầu tư hết cả vào vườn cao su. Không chỉ chăm trồng rừng, anh còn vận động người dân trong khu dân cư cùng bắt tay vào việc phủ xanh đồi trọc trên chính mảnh đất quê hương mình.
Anh chia sẻ: “Thời gian làm công nhân cạo mủ ở ở miền Nam đã giúp tôi thấu hiểu hơn về giá trị của cây rừng, không tìm đâu xa mà đây là phương thức thoát nghèo để vươn lên khẳng định mình một cách chính đáng, vì vậy tôi chọn về quê để lập nghiệp”.
Chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm qua quá trình bám trụ với rừng, anh động viên nhiều người cùng góp phần tháo gỡ thế độc canh cây lúa, cũng như khắc phục tiềm năng đất lâm nghiệp đã hoang hóa và thực trạng tác động tiêu cực vào rừng.
Bí thư Xã đoàn Hải Lâm - anh Nguyễn Ngọc Nghĩ cho biết: “Anh Sang là một thanh niên bản lĩnh, chịu khó làm ăn, luôn chú trọng để phát triển kinh tế, đặc biệt là trong anh có sẵn tình yêu với cây rừng, là một gương sáng của phong trào Thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác, thực hiện tốt công việc phủ xanh đất trống đồi trọc”.
Lấy núi rừng làm nơi thử thách khát vọng vươn lên làm giàu, dẫu chưa có kết quả trước mắt, nhưng những công việc mà Sang đang làm thật đáng trân trọng, là gương sáng cho nhiều bạn trẻ noi theo.
Bài, ảnh: KHÁNH VŨ - TRẦN KHÔI
Đang truy cập: 98
Hôm nay: 5,432
Tổng lượt truy cập: 927,778