Học sinh làm phần mềm quảng bá Việt Nam

Trong khi có không ít câu chuyện buồn về việc thanh niên quay lưng lại với lịch sử, văn hóa dân tộc xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và sau những kỳ thi đại học với hàng ngàn điểm 0 môn Lịch sử khiến nhiều người lo ngại tình trạng thanh thiếu niên chán học sử, thiếu hiểu biết về lịch sử đất nước, thì một nhóm học sinh chuyên Tin và chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã chọn lịch sử, địa lý Việt Nam cho những khám phá sáng tạo của mình. Với phần mềm tìm hiểu lịch sử, địa lý Việt Nam mang tên Hello VietNam, ba bạn trẻ Nguyễn Việt Hùng (lớp 11 Tin), Nguyễn Quỳnh Phương (lớp 11 Anh) và Nguyễn Hoàng Phương (lớp 11 Tin) đã giành giải nhất lĩnh vực Toán – Tin và giải nhì chung cuộc Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Intel ISEF tỉnh Quảng Trị năm 2012. Phần mềm này được đánh giá cao không chỉ về mặt kỹ thuật, chất lượng sản phẩm mà còn ở tính ứng dụng đa dạng và ý nghĩa sâu sắc của nó. 

Nhóm bạn trẻ cùng thảo luận để hoàn thiện sản phẩm.


Là những học sinh thích tìm hiểu về lịch sử, địa lý và văn hóa của các tỉnh, thành, các vùng miền, Việt Hùng, Quỳnh Phương và Hoàng Phương nhận ra một thực tế là việc tiếp cận các kiến thức này đối với học sinh gặp rất nhiều khó khăn. Thông tin tuy rất phong phú nhưng lại tản mát, không có hệ thống, thông tin trong sách vở thường nặng tính học thuật, khô khan, thiếu hấp dẫn còn thông tin trên mạng thì nhiều thông tin không chính xác. Ý tưởng làm một cuốn từ điển mini dùng cho máy tính trong đó các thông tin về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam được tập hợp một cách rõ ràng, đầy đủ, hấp dẫn và thuận lợi cho việc học tập, tìm hiểu của học sinh đã được ba bạn trẻ ấp ủ từ đó.

Khi bắt tay vào việc xây dựng phần mềm, nhóm gặp nhiều khó khăn vì ngôn ngữ lập trình thích hợp cho việc viết phần mềm này là VB.net còn hoàn toàn mới mẻ đối với các em. Bên cạnh đó việc xây dựng và xử lý cơ sở dữ liệu cho phần mềm là một khối lượng công việc rất lớn, mất nhiều thời gian và công sức từ việc tập hợp các tài liệu lịch sử, địa lý của 63 tỉnh, thành phố qua sách báo, internet đến việc thẩm định, hiệu đính và đồng bộ hóa thông tin.

Sau gần một tháng miệt mài làm việc, đến tháng 9/2011, nhóm hoàn thành sản phẩm đầu tay với giao diện mô phỏng lại bản đồ Việt Nam với thông tin chính của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Nhưng một loạt ý tưởng mới lại nảy ra, từ ý định ban đầu là xây dựng một công cụ bổ trợ việc học tập môn Lịch sử, Địa lý cho học sinh, nhóm bắt đầu hướng đến việc phát triển phần mềm theo hướng quảng bá về lịch sử, văn hóa đất nước không chỉ dành cho học sinh mà còn phục vụ cho khách du lịch. Các thông tin du lịch (địa điểm du lịch, món ăn đặc sản), các thông tin cơ bản về Việt Nam, các bài kiểm tra trắc nghiệm cho người dùng được bổ sung.

Ngoài ra, tính năng sử dụng bộ nhớ động còn cho phép người dùng quản lý, phát triển cơ sở dữ liệu của phần mềm theo nhu cầu cá nhân... Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã hoàn thiện phiên bản phần mềm offline dành cho học sinh và giáo viên, phần mềm online dành cho khách du lịch. Trong thời gian tới, nhóm mong muốn sẽ tạo phiên bản tiếng Anh để hướng đến đối tượng là các du khách nước ngoài muốn khám phá, tìm hiểu đất nước Việt Nam, tạo nên một cuốn cẩm nang hữu ích, tiện dụng và đa dạng cho du khách.

Hiện tại, phần mềm Hello VietNam cung cấp nguồn thông tin khá phong phú đa dạng về lịch sử, địa lý Việt Nam như thông tin khái quát về Việt Nam, các tổ chức lớn mà Việt Nam tham gia, lịch sử 19 triều đại Việt Nam, niên biểu các sự kiện lịch sử lớn của dân tộc, thông tin về lịch sử hình thành, đặc điểm địa lý, dân cư, hành chính của 63 tỉnh, thành phố cùng hơn 300 điểm du lịch nổi tiếng và 200 món ăn đặc sản của các vùng miền.

Để người dùng tiện dụng trong quá trình tìm kiếm thông tin, phần mềm cung cấp các công cụ tìm kiếm theo tỉnh, thành phố, theo món ăn đặc sản, địa điểm du lịch, tìm kiếm sự kiện lịch sử theo năm hoặc tên sự kiện và đưa ra các từ khóa gợi ý khi người dùng nhập sai. Bên cạnh đó, phần mềm còn cung cấp các bản đồ, biểu đồ và hơn 200 câu hỏi về lịch sử, địa lý.

Trong những ngày này, ba bạn trẻ này đang hoàn thiện những bước cuối cùng để tham dự Hội thi Intel ISEF toàn quốc tại thành phố Huế. Để phần mềm thực sự phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dùng, nhóm bạn này đã tổ chức trình diễn phần mềm cho đông đảo các bạn học sinh trong trường xem, dùng thử và góp ý cho phần mềm. Ngoài ra các bạn còn đưa phần mềm cho một số người nước ngoài đang công tác hoặc đi du lịch trên địa bàn dùng thử để cho ý kiến. Cách làm rất nghiêm túc và khoa học này hứa hẹn sẽ giúp nhóm bạn trẻ tạo được dấu ấn tại cuộc thi cũng như hoàn thiện và đưa sản phẩm vào ứng dụng trong thực tế.

Không chỉ học giỏi, đam mê sáng tạo, Việt Hùng, Quỳnh Phương và Hoàng Phương còn là những học sinh năng động và say mê các hoạt động xã hội. Hiện bộ ba này đang tham gia Câu lạc bộ tiếng Anh sinh hoạt hàng tuần tại quán cà phê Tâm trên đường Trần Hưng Đạo, trong đó Việt Hùng là chủ nhiệm câu lạc bộ, Quỳnh Phương là phó chủ nhiệm.

Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần với hơn 40 thành viên chính thức đến từ nhiều trường học trên địa bàn Đông Hà thực sự là một kết quả ấn tượng về khả năng điều hành của ban chủ nhiệm. Những bạn trẻ như Việt Hùng, Quỳnh Phương và Hoàng Phương cho phép chúng ta tin tưởng và kỳ vọng vào một thế hệ 9x thông minh, năng động, sáng tạo, hiểu biết và giàu ý thức công dân. 

PHAN TRẦN

  • 13/KH-BCĐ

    Kế hoạch tổ chức Cuộc thi Tin học trẻ tỉnh Quảng Trị lần thứ XXV - năm 2023 (16/01/2023)

  • Số 272-KHPH/TĐTN-PTTN

    Kế hoạch tổ chức tình nguyện mùa Đông 2021, Xuân tình nguyện 2022 (13/01/2022)

  • Dự thảo

    Dự thảo lần 1 Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027 (28/01/2022)

  • 519-BC/TĐTN-TTNTH

    Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch 133 về thực hiện CTHĐ quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 (06/12/2021)

  • Số 23-CTr/TĐTN-VP

    Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022 (20/01/2022)

Đang truy cập: 2

Hôm nay: 35

Tổng lượt truy cập: 927,863

Liên hệ Facebook Đăng nhập