Với tổng số 7.420 đoàn viên sinh hoạt tại 220 chi đoàn, 11.920hội viên, công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên ở huyện Hải Lăng đã và đang có những bước đi mới, cách làm mới hiệu quả, nhiều mô hình hay đã được nhân rộng đến các cấp bộ Đoàn- Hội, thông qua các mô hình này đã thu hút đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên tham gia vào tổ chức Đoàn- Hội.
Một trong những phương pháp để làm tốt công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên mà UB Hội LHTN huyện chú trọng đó là việc tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, làm sao để các cơ sở Hội tìm ra những phương pháp tổ chức sinh hoạt thu hút và tập hợp được ĐVTN, đem lại lợi ích thiết thực cho ĐVTN để khi tham gia vào tổ chức họ cảm thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình. Huyện đoàn và Hội LHTN huyện đã tổ chức nhiều hội thảo về "Xây dựng Chi đoàn – Chi hội mạnh trên địa bàn dân cư”, qua đó, những vấn đề hạn chế, khó khăn, những kinh nghiệm được rút ra trong việc đoàn kết, tập hợp ĐVTN được các cán bộ, hội viên nêu ra như: hình thức sinh hoạt chưa thu hút được ĐVTN; thanh niên đi làm ăn xa nhiều; trình độ chuyên môn của cán bộ Hội ở cơ sở còn hạn chế, phương thức sinh hoạt còn đơn điệu... Những ý kiến trên đã được BTV huyện đoàn và UB Hội LHTN huyện tiếp thu để từ đó tìm ra những giải pháp và hướng đi đúng để xây dựng công tác Đoàn - Hội và phong trào thanh niên hoạt động có hiệu quả trong thời kỳ mới.
Để đoàn kết, tập hợp thanh niên vào sinh hoạt tại tổ chức Đoàn - Hội thì tổ chức Đoàn - Hội phải đem lại lợi ích cho thanh niên. Vì vậy, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên đã được huyện đoàn và Hội LHTN huyện xác định là một giải pháp mũi nhọn để tạo bước đột phá cho phong trào Đoàn – hội. Để hạn chế tình trạng thanh niên đi làm ăn xa không có lực lượng để tham gia sinh hoạt phong trào, tạo điều kiện cho thanh niên làm giàu ngay chính trên quê hương mình và trên cơ sở khảo sát tình hình, nhu cầu lao động - việc làm trên địa bàn huyện Hải Lăng, BTV huyện Đoàn và UB Hội LHTN huyện đã tăng cường đẩy mạnh các hoạt động tư vấn việc làm và tổ chức thường xuyên các lớp đào tạo nghề cho thanh niên như sửa chữa máy nông cụ, nghề thêu ren, nôi trồng thủy hải sản... Đặc biệt từ năm 2010 đến nay, thực hiện chủ trương của huyện về việc đào tạo các ngành nghề cho thanh niên để thanh niên có cơ hội tiếp cận và có được việc làm tại khu công nghiệp làng nghề Diên Sanh, Đoàn Thanh niên huyện đã phối hợp tổ chức 4 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 157 ĐVTN, đa phần thanh niên sau khi được đào tạo đã được nhận vào làm việc tại nhà máy may Phong Phú tại làng nghề Diên Sanh với mức lương bình quân từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.
Việc tạo điều kiện cho ĐVTN có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế cũng được huyện chú trọng. Trong những năm qua, BTV huyện Đoàn và UB Hội LHTN huyện đã phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện giải ngân các ngồn vốn cho thanh niên. Nếu như năm 2008, toàn huyện có 22 tổ vay vốn do thanh niên quản lý với tổng dư nợ là 2.850.000.000 đồng thì đến tháng 8/2011, tổng dư nợ đã lên đến 6.479.000.000đ. Nhờ giải quyết được nguồn vốn vay, nhiều thanh niên đã mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh như phát triển kinh tế trang trại, phát triển chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ĐVTN bước đầu đã mang lại hiệu quả, không những tình trạng thanh niên đi làm ăn xa ngày càng giảm mà còn thu hút một bộ phận thanh niên đi làm ăn xa trở về lập thân, lập nghiệp tại quê hương.
Để đoàn kết, tập hợp được ĐVTN, một yếu tố quan trọng đó là việc đổi mới các nội dung, phương pháp tổ chức sinh hoạt Đoàn- Hội. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều cơ sở Đoàn – Hội, việc duy trì chế độ sinh hoạt thường xuyên không được đảm bảo, các buổi sinh hoạt thường khô khan, thiếu hấp dẫn và cuối cùng là đội ngũ cán bộ Đoàn- Hội còn lúng túng về nội dung và hình thức sinh hoạt, từ những yếu tố trên dẫn đến các buổi sinh hoạt có ít thanh niên tham gia. Do đó, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi Đoàn, chi Hội, xem đây là nền tảng trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, Đoàn Thanh niên và Hội LHTN huyện đặc biệt chú trọng đầu tư cho công tác tập huấn kỷ năng công tác cho cán bộ cơ sở. Ngoài việc tham gia các lớp do Tỉnh đoàn tổ chức thì hàng năm, các lớp tập huấn, trại huấn luyện kỹ năng được tổ chức thường xuyên ở cấp huyện. Bên cạnh đó, Huyện đoàn - Hội LHTN Hải Lăng cũng đã thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Thủ lĩnh thanh niên với 45 thành viên là những cán bộ Đoàn- Hội chủ chốt ở cơ sở, đồng thời chỉ đạo các Đoàn cơ sở thành lập ra mắt các CLB kỷ năng ở từng đơn vị với sự hỗ trợ nghiệp vụ của CLB Thủ lĩnh Thanh niên. Thông qua Đội kỹ năng và sau này là CLB Thủ lĩnh thanh niên, trong 2 năm 2010, 2011 toàn huyện đã tổ chức được 7 khóa huấn luyện cho trên 850 lượt cán bộ Đoàn- Hội với nhiều kỷ năng sinh hoạt mới như: dân vũ quốc tế, vũ khúc thanh niên, trò chơi nhỏ, trò chơi lớn, xây dựng nhóm, tổ chức các hoạt động giáo dục kỷ năng sống... đã mang lại sự hứng thú và nét mới trong sinh hoạt Đoàn- Hội, Sinh hoạt kỹ năng thực sự đã tạo ra một làn gió mới đầy sức cuốn hút đối với thanh niên trên địa bàn và đây là một nhân tố quan trọng đưa tỷ lệ thanh niên, hội viên, đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội có bước chuyển biến rõ nét. Nhưng quan trọng hơn, các hoạt động này đã góp phần xây dựng nên một đội ngũ cán bộ Đoàn – Hội giỏi kỹ năng, có lửa với phong trào và có sức lôi cuốn ĐVTN, đó sẽ là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của tổ chức Đoàn – Hội Hải Lăng trong thời gian tới.
Có thể nói những mô hình, giải pháp trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên nói trên tuy không hẳn hoàn toàn mới mẻ nhưng điều làm nên tính hiệu quả của những giải pháp đó chính là việc biết xác định trọng tâm mũi nhọn để đầu tư nguồn lực và sự quyết tâm thực hiện quyết liệt các giải pháp từ cấp huyện đến cấp cơ sở.
Phan Nguyễn Thanh Hải (Huyện Đoàn Hải Lăng)
Đang truy cập: 1
Hôm nay: 564
Tổng lượt truy cập: 928,392