Nhân dân thủ đô Vácxava nhiệt liệt hoan nghênh Hồ Chủ tịch sang thăm nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan năm 1957. (ảnh tư liệu) |
Nền tảng để xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam
“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”. Nhận xét đó là của nhà báo Liên Xô Ôxíp Manđenxtam năm 1923, lần đầu tiên được tiếp chuyện chiến sĩ quốc tế cộng sản Nguyễn Ái Quốc. Một trăm năm trôi qua, quan điểm của Ôxíp Manđenxtam vẫn vẹn nguyên giá trị, ngày càng được kiểm chứng rộng rãi, đúng đắn ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Từ giữa thế kỷ XIX thực dân Pháp đặt ách đô hộ trên toàn cõi Việt Nam. Chúng thống trị về chính trị đồng thời đè nén, nô dịch về văn hóa. Đất nước độc lập trở thành thuộc địa, mất độc lập tự do. Nhân dân không có một chút quyền tự do, dân chủ nào. Nền văn hóa dân tộc vẫn tồn tại nhưng len lỏi trong sự bủa vây, áp bức của kẻ thù, không thể phát triển.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đó không chỉ là một cuộc cách mạng về chính trị mà còn là một cuộc cách mạng về văn hóa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, một kỷ nguyên mới được mở ra cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do. Nhân dân từ thân phận nô lệ bước lên địa vị người chủ, làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân.
Hồ Chí Minh đã kiến tạo một hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Theo Người văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại; có cái gì tốt của văn hóa xưa và nay, Đông và Tây thì ta phải học lấy để tạo ra một nền văn hóa thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ. Đó là một nền văn hóa của Hồng Bàng, Văn Lang, Âu Lạc, của con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên. Người nhấn mạnh: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/ Kể năm hơn bốn ngàn năm/ Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hòa/ Hồng Bàng là tổ nước ta/ Nước ta lúc đó gọi là Văn Lang”.
Hệ giá trị văn hóa Việt Nam đặt “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Giá trị hạt nhân, cốt lõi của văn hóa Việt Nam là yêu nước. Với lòng yêu nước, quyết không chịu nô lệ, nên dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn chúng ta cũng quyết giành cho kỳ được độc lập tự do. Chính nhờ lòng yêu nước mà khi nền tự do độc lập của dân tộc bị uy hiếp, cả dân tộc vùng lên, thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Chính nhờ dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước mà khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, cuộn dâng, quét phăng đi lũ cướp nước và lũ bán nước. Giá trị dân tộc của văn hóa Việt Nam được xác định “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh tỏ rõ yêu nước là giá trị hàng đầu trong bảng thang giá trị văn hóa Việt Nam; là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam. Nó không chỉ là động lực trong đấu tranh giành độc lập dân tộc mà cũng là động lực trong xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc.
Hồ Chí Minh đã tạo dựng, xây đắp, vun bồi nền văn hóa dân chủ - dân chủ trong Đảng, dân chủ trong nhân dân và trong xã hội. Đây là một trong những nét khác biệt nhất của nền văn hóa tương lai trong suy tư, trăn trở và hành động của Hồ Chí Minh. Theo Người, dân chủ được hiểu dân là chủ và dân làm chủ. Đó hoàn toàn không phải và xa lạ với dân chủ hình thức, dân chủ trang trí. Văn hóa dân chủ theo Hồ Chí Minh là làm sao cho người dân có năng lực làm chủ, biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm, có quyền làm, có quyền nói; dân chủ là phải dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Người chỉ rõ, chỉ có một nền Cộng hòa Dân chủ thì mới dám khẳng định và thực hiện bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra. Người chỉ rõ, đối với dân ta đừng làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy, bởi làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành, làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại. Hồ Chí Minh chỉ rõ nước ta là nước dân chủ. Mà Chính phủ Cộng hòa Dân chủ là gì? Là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ.
Chỉ có Đảng chân chính cách mạng, một Đảng mà đảng viên của Đảng không phải vào Đảng để làm quan phát tài mà phải hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân thì mới sẵn sàng làm trâu ngựa, tôi tớ của nhân dân theo tinh thần của Lỗ Tấn: “Trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. Hồ Chí Minh chỉ rõ, chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương, đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân.
Nền văn hóa tương lai mang tầm vóc thời đại
Nền văn hóa tương lai tỏa ra từ Hồ Chí Minh mang chở những giá trị văn hóa vừa có ý nghĩa đối với dân tộc vừa mang tầm vóc thời đại. Đó là những giá trị nhân văn, hợp tác, trách nhiệm.
Hồ Chí Minh là con người mang chở một chủ nghĩa nhân văn sâu nặng, trong sáng, cao cả. Những năm hai mươi Người nghĩ nhiều đến những người cùng khổ, và đến tận cuối đời, Người dặn lại đầu tiên là công việc đối với con người. Ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp, người Mỹ đã tử vong, Hồ Chí Minh thổ lộ trước lòng bác ái rằng máu nào cũng đều là máu, người nào cũng đều là người. Người yêu Tổ quốc và đồng bào mình, cũng yêu Tổ quốc và nhân dân các nước. Đó là một trong những cội nguồn khiến Người muốn đoàn kết, hợp tác với mọi nước dân chủ, không gây thù oán với một ai. Với Người không chỉ đoàn kết trong nước mà còn phải nhận thức và hành động theo tinh thần chúng ta đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mình đồng thời cũng mong các dân tộc khác giành được độc lập, bởi “quan sơn muôn dặm một nhà/ Vàng, đen, trắng, đỏ, bốn phương vô sản, bốn biển đều là anh em”.
Hồ Chí Minh là con người luôn đề cao và gắn chặt trách nhiệm với dân tộc và nhân loại. Với dân tộc, Người nhấn mạnh bổn phận chỉ có mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Người chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Với nhân loại, Người luôn mong muốn một thế giới hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, tiến bộ và phát triển. Đây là hạt nhân, lõi cốt của văn hóa tương lai, là xu thế lớn của nhân loại. Thế giới nói đến Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là nói tới một người giải phóng dân tộc và đấu tranh cho tự do. Với nhân dân Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh là con người của hòa bình, hòa giải, công bằng, bình đẳng, luôn đấu tranh cho sự phát triển của đất nước, khu vực và thế giới. Được ghi nhận, tôn vinh là một nhân vật quan trọng và kiệt xuất, Hồ Chí Minh hội tụ nhiều tư tưởng, thể hiện khát vọng của các dân tộc trên thế giới trong việc khẳng định bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự tăng cường, hiểu biết lẫn nhau. Hồ Chí Minh tiếp cận vấn đề văn hóa một cách có ý thức. Người tìm thấy điểm tương đồng, mẫu số chung của Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên là mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu cầu phúc lợi cho xã hội. Hồ Chí Minh để lại một dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại, bởi Người góp phần to lớn trong việc chia sẻ sự đa dạng văn hóa, vừa tôn trọng vừa thúc đẩy các nền văn hóa xích lại gần nhau, xóa bỏ những hiểu lầm, định kiến, rào cản giữa các nền văn hóa khác nhau. Với Người, trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hóa là công cụ hữu hiệu nhất để kiến tạo hòa bình, hợp tác hữu nghị giữa các dân tộc. Nhân loại nói về Hồ Chí Minh với tư cách là một người thầy về cuộc sống tiếp thu trong kỷ nguyên toàn cầu hóa của một thế giới hội nhập.
Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa tương lai chính là hệ giá trị văn hóa Việt Nam mà chúng ta đang nghiên cứu, xác định, triển khai xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nó vừa thuần túy Việt Nam vừa hợp với tinh thần của thời đại./.