Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng.
Bác
Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh tư liệu)
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ TĂNG CƯỜNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, suốt cả cuộc
đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng, hoàn thiện một hệ thống
quan điểm về đại đoàn kết dân tộc, tích cực truyền bá tư tưởng đoàn kết trong
toàn Đảng, các cấp chính quyền, trong các tầng lớp nhân dân. Người nhận thức
sâu sắc, đoàn kết không chỉ tạo nên sức mạnh mà còn là vấn đề có ý nghĩa quyết
định tới việc sống còn, thành bại, được mất trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù.
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực
lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt
Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải
trở về với nhân dân. Nói cách khác, khối đại đoàn kết toàn dân tộc bao gồm “Bất
kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.
Với chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở thống nhất lợi ích quốc gia
dân tộc với quyền lợi cơ bản của các giai tầng; nòng cốt khối đại đoàn kết toàn
dân tộc là liên minh công - nông - trí
dưới sự lãnh đạo của Đảng, Người chỉ rõ, cần giải quyết hài hòa lợi ích giữa
các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, dân cư ở các vùng miền
khác nhau. Phát huy mặt tương đồng, hóa giải điểm khác biệt. Mẫu số chung
để đại đoàn kết toàn dân tộc là: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do,
giàu mạnh: “Toàn dân đoàn kết nhất trí thì chúng ta nhất định xây dựng được
nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tự do, giàu mạnh”.
Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Người cho rằng, trước hết,
cần tuyên truyền, vận động nhân dân. Thứ hai, phải chăm lo xây dựng Đảng và hệ
thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Về Nhà nước, Đảng phải làm cho Nhà nước
thật sự là của dân, do dân, vì dân. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính
trị - xã hội là cầu nối gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân. Coi đoàn kết là lẽ
sống, đạo lý của Đảng, của dân tộc ta trong dựng nước và giữ nước, mỗi cán bộ,
đảng viên phải coi đoàn kết là một đức tính cơ bản của người cách mạng. Ai
không có khả năng tập hợp, đoàn kết quần chúng và các đồng chí của mình thì
không thể làm cách mạng, không thể làm cán bộ. Người căn dặn: “Các đồng chí từ
Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như
giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Song song với việc xây những đức tính tốt để đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, phải chống những cái xấu, những căn bệnh gây chia rẽ, mất đoàn kết.
Phải chống bệnh hẹp hòi. “Bệnh này rất nguy hiểm, mà nhiều cán bộ
và đảng viên còn mắc phải. Trong, thì bệnh này ngăn trở Đảng thống nhất và đoàn
kết. Ngoài, thì nó phá hoại sự đoàn kết toàn dân. Nhiều thứ bệnh, như chủ nghĩa
địa phương, chủ nghĩa bản vị, chủ nghĩa cá nhân, khuynh hướng tham danh vọng, tham
địa vị, dìm người giỏi, bệnh hủ hoá, v.v. đều do bệnh hẹp hòi mà
ra!”. Thứ hai, phải chống chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân
mà cán bộ, đảng viên sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa; tham danh trục
lợi, thích địa vị quyền hành; tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần
chúng, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền.
Để thực hiện được chiến lược đại đoàn kết dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ đất nước mới thành công, Hồ Chí Minh khẳng định, “ta phải ra sức đề phòng
những kẻ địch đó, phải chữa hết những chứng bệnh đó” và giải thích: “Mỗi chứng
bệnh là một kẻ địch. Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên
ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại
từ trong phá ra. Vì vậy, ta phải ra sức đề phòng những kẻ địch đó, phải chữa
hết những chứng bệnh đó”.
Hồ Chí Minh suốt đời kiên tâm thực hiện đại đoàn kết. Bản thân Người cũng chính
là hình ảnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo Bác, để thực hiện đại đoàn kết
toàn dân tộc, thì toàn Đảng cũng như mỗi cán bộ, đảng viên cần có phong cách
lãnh đạo: “Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực
phụng sự Tổ quốc và nhân dân”.
Bằng cách nào để toàn Đảng đoàn kết, nhất trí? Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp cơ
bản là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự
phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và
thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên, cần học và làm theo phong cách làm việc
quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tập hợp, đoàn kết toàn dân. Chú ý tìm
hiểu tâm tư nguyện vọng của quần chúng, chăm lo đời sống của nhân dân. Tin vào
dân, tôn trọng dân, chú ý lắng nghe và giải quyết những kiến nghị chính đáng
của nhân dân, sẵn sàng tiếp thu ý kiến dân phê bình và kịp thời sửa chữa những
khuyết điểm, thiếu sót. Giáo dục, lãnh đạo nhân dân, đồng thời không ngừng học
hỏi kinh nghiệm của nhân dân. Biết biến quyết tâm của Đảng, Nhà nước thành
quyết tâm của nhân dân. “Phải làm đúng những điều đó mới xứng đáng là người đày
tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ”.
Đối với toàn thể nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào ta ai cũng cần
có phong cách thân ái, khoan hồng độ lượng, thương yêu lẫn nhau, mới đoàn kết
được toàn dân tộc.
CỦNG CỐ VỮNG CHẮC KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC HIỆN NAY
Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về đại đoàn
kết dân tộc, về công tác dân tộc, về tôn giáo, về người Việt Nam ở nước ngoài,
từng bước được thể chế hóa thành luật, pháp lệnh, chính sách và ngày càng thể
hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc. Nhiều cấp ủy đảng đã
quan tâm hơn đến sự nghiệp đại đoàn kết, đến công tác dân vận và công tác mặt
trận, củng cố tổ chức và tăng cường cán bộ, phương tiện và điều kiện cho công
tác mặt trận. Chính quyền ở nhiều cấp, nhiều địa phương đã thật sự có chuyển
biến trong nhận thức và hành động về quan hệ với nhân dân. Nhiều dự án về phát
triển kinh tế, văn hóa - xã hội của Nhà nước được ban hành nhằm chăm lo đời
sống cho nhân dân đã thực hiện có kết quả. Quyền làm chủ của nhân dân trong
tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội được thể chế hóa, đã từng
bước được phát huy. Sự đổi mới hệ thống chính trị, việc tăng cường dân chủ hóa
đời sống xã hội, nhất là việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đã
góp phần quan trọng vào việc động viên nhân dân và cán bộ hăng hái tham gia các
sinh hoạt chính trị của đất nước, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện các nhiệm vụ
phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Đó là những
nhân tố rất quan trọng, là động lực chủ yếu bảo đảm sự ổn định chính trị - xã
hội và thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Cùng với những tiến bộ và chuyển biến nêu trên, nhiều vấn đề mới đã và đang nảy
sinh trong quá trình đổi mới, đó là xã hội, giai cấp, tầng lớp, nhóm dân cư
đang trong quá trình phân hóa. Xuất hiện sự chênh lệch ngày càng lớn về mức
thu nhập và hưởng thụ giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa
công nhân lao động ở các khu công nghiệp với những người lao động có chuyên
môn, tay nghề trong các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, giữa người đương chức
và người về hưu… Sự phân hóa giàu nghèo có chiều hướng gia tăng đã và đang ảnh
hưởng lớn đến đại đoàn kết dân tộc. Những đặc điểm nêu trên đã tác động mạnh mẽ
đến khối đại đoàn kết. Vì vậy, tuy đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở
rộng, củng cố và tăng cường, song chưa thật vững chắc và đang đứng trước những
thách thức không thể xem thường. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã và
đang khai thác những thiếu sót, yếu kém của ta hòng phá hoại khối đại đoàn kết
toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.
Để đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng thật sự là
nguồn sức mạnh, là động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định, bảo
đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần làm cho cả
hệ thống chính trị, từng cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy đảng và
người đứng đầu cấp ủy quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết
dân tộc và mặt trận dân tộc đề xướng. Phải nắm vững những quan điểm cơ bản và
cũng là những định hướng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong giai
đoạn hiện nay. Đó là lợi ích cơ bản của nhân dân, của dân tộc ta ngày nay là
độc lập, tự do và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong chủ nghĩa xã hội. Lợi ích đó
thể hiện cụ thể hằng ngày trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội, an ninh, quốc phòng. Củng cố tăng cường đoàn kết hiện nay không thể chung
chung mà phải gắn chặt với việc bảo đảm các lợi ích đó. Một trong những động
lực thúc đẩy nhân dân tăng cường đoàn kết trong tình hình hiện nay là quyền làm
chủ đất nước của nhân dân cần được tôn trọng. Pháp luật phải bảo đảm để nhân
dân thật sự là người chủ, thật sự làm chủ như Hiến pháp đã quy định.
Thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân không chỉ là trách nhiệm
của Đảng và Nhà nước mà còn là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị xã hội và của toàn dân. Do đó, qua hoạt động của mình, Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần không ngừng đổi mới nội dung, phương
thức hoạt động để góp phần làm cho mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân
luôn luôn bền chặt, ý Đảng và lòng dân là một. Trong giai đoạn hiện nay, các
chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có tác dụng trực tiếp
và quyết định đến kết quả xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ
quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và
phản biện xã hội, để các chủ trương, chính sách sát cuộc sống, đáp ứng lợi ích
của nhân dân.
Kiên trì thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn
minh”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn
kết, nhân nghĩa, khoan dung, cùng nhau hợp sức xây dựng cho được một xã hội
đồng thuận cao trên tinh thần cởi mở, độ lượng, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định,
phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.
Có thể khẳng định, bài học đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng trở nên sống
động và mang tính thời sự, ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước
đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội cùng thách thức lớn của quá
trình hội nhập ngày một sâu, rộng. Để tăng cường củng cố, phát triển khối đại
đoàn kết toàn dân tộc hiện nay, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể
như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách
nhiệm của các cấp ủy đảng, người đứng đầu và cả hệ thống chính trị trong lãnh
đạo, củng cố, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc hiện nay.
Các cấp ủy đảng và người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp
với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Cần thực hiện triệt để Quy
định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của
cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số
08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm
nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban
Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”. Cán bộ, đảng viên phải xung
phong, gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,
nhất là về đoàn kết và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
để nhân dân học và làm theo.
Thứ hai, nâng cao chất lượng các
cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống
xã hội; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên
và các giai tầng, các giới trong toàn dân tộc.
Thứ ba, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đa dạng hóa các hình
thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
Thứ tư, tăng cường công tác dân vận
của chính quyền các cấp. Tích cực phối hợp giữa chính quyền các cấp với Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội làm công tác dân
vận.
Thứ năm,
kiên quyết đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, phá hoại, chia rẽ
khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường sức mạnh khối đại đoàn
kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,
đảm bảo thế và lực cho đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Hoa
Ban Tuyên giáo Trung ương
(Tạp
chí của Ban Tuyên giáo Trung ương)
Đang truy cập: 297
Hôm nay: 656
Tổng lượt truy cập: 1,105,284