Cách đây 99 năm, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận và phát hiện chân lý thời đại trong bản Luận cương của Lênin. Đó là dấu mốc vàng mở ra tiền đồ mới cho dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu và khẳng định ý nghĩa vĩ đại của sự kiện nêu trên. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cùng suy ngẫm thêm một số điểm để thấy tầm vóc lịch sử của con người đã đưa ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam.
Luận cương của Lênin đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo, phù
hợp với bối cảnh lịch sử để giải phóng dân tộc và đưa đất nước ta ngày càng
phát triển hùng cường. Ảnh: Vũ Long
1.
VỚI VIỆC TÌM RA CHÂN LÝ THỜI ĐẠI, NGUYỄN ÁI QUỐC LÀ CON NGƯỜI ĐƯỢC LỊCH SỬ LỰA
CHỌN ĐỂ TRỞ THÀNH ANH HÙNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC Ở THẾ KỶ XX
Nguyễn Ái Quốc đã được những người bạn
Pháp trao cho tờ báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội
Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920 đăng Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về
vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin (thường được gọi tắt là Luận cương
của Lênin). Tưởng chừng là một sự ngẫu nhiên, nhưng đó thực sự là lẽ tất yếu
lịch sử.
Tính tất yếu được nhen nhóm bởi chủ
nghĩa yêu nước chân chính, truyền thống gia đình, truyền thống quê hương và
truyền thống dân tộc là những dòng hợp lưu bồi đắp nên lý tưởng cách mạng trong
con người Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Chân lý
thời đại chỉ có thể đến với những ai có sự lựa chọn đúng lẽ sống vì nước, vì
dân; dám đối mặt và vượt lên phong ba bão táp thời đại; nhạy bén với diễn biến
lịch sử, lăn xả cải biến lịch sử.
Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Các Mác
đã mở ra hướng đi mới cho cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân
tộc. Luận cương của Lênin cụ thể hóa con đường giải phóng dân tộc cho các nước
thuộc địa, trong đó có Việt Nam.
Nguyễn Ái Quốc là nhịp cầu lịch sử đón
nhận, tiếp biến ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam để góp phần phác
họa lịch sử thế giới ở thế kỷ XX: Lịch sử của phong trào giải phóng dân tộc
thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên phạm vi toàn thế
giới, mà Việt Nam là một trong những điểm sáng nhất sau ngọn đuốc Cách mạng
Tháng Mười Nga.
2.
NGUYỄN ÁI QUỐC ĐÃ ĐỊNH VỊ ĐÚNG NHỮNG GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG VĨ ĐẠI CỦA CHỦ NGHĨA MÁC
-LÊNIN, ĐÃ ĐƯỢC LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM KIỂM CHỨNG
Ngay khi tiếp cận Luận cương của
Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định đó là học thuyết chân chính nhất, cách mạng
nhất, phù hợp nhất với bối cảnh lịch sử của Việt Nam. Như vậy, cách mạng Việt
Nam ngay từ đầu đã tiếp cận trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin, tránh được sự hỗn
dung và xung đột gay gắt giữa các luồng tư tưởng trái chiều.
Trong “Đường kách mệnh” (xuất bản năm
1927) cũng như các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo và thông qua tại Hội
nghị thành lập Đảng năm 1930, những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin
đã được định vị một cách chắc chắn, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh lịch sử
của Việt Nam, làm kim chỉ nam cho sự hoạch định cương lĩnh, đường lối cách mạng
đúng đắn suốt 89 năm qua. Những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin được
Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ là:
- Cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng
vô sản, trước hết làm cách mạng dân tộc, dân chủ rồi tiến tới cách mạng xã hội
chủ nghĩa. Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ thực dân Pháp, phong kiến tay sai;
mang lại quyền làm chủ nhà máy, xí nghiệp cho giai cấp công nhân, thực hiện
người cày có ruộng. Đây là tư tưởng cách mạng triệt để, có lộ trình phù hợp;
được Nguyễn Ái Quốc tổng kết thực tiễn các cuộc cách mạng dân chủ tư sản của
Anh, Mỹ, Pháp và vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh cách mạng nước ta.
- Nhân tố tiên quyết bảo đảm cách mạng
Việt Nam thắng lợi là phải có chính đảng vô sản lãnh đạo; Đảng phải lấy chủ
nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng; Đảng phải được thử thách trong thực
tiễn đấu tranh cách mạng để không ngừng lớn mạnh; Đảng phải lấy lợi ích của
giai cấp, dân tộc làm tôn chỉ, mục đích. Nguyễn Ái Quốc đã xác định được sứ
mệnh lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, nên ngay khi Đảng ra đời đã nhận được
sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp xã hội.
- Đảng phải giác ngộ, vận động quần
chúng đi theo cách mạng. Trong nước thì kết nối các giai tầng, nòng cốt là liên
minh công - nông, từ hạt nhân này mà xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
đánh đổ thực dân, phong kiến. Ngoài nước thì đoàn kết với các dân tộc có cùng
hoàn cảnh bị áp bức, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng
hòa bình trên thế giới. Phương pháp đấu tranh được kết hợp giữa bạo lực cách
mạng với đấu tranh chính trị.
Trải qua 89 năm lãnh đạo cách mạng
Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, có
lúc vận mệnh của Đảng, của dân tộc rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”,
nhưng nhờ kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng đã đưa cách mạng đi từ thắng
lợi này tới thắng lợi khác.
3.
TƯ TƯỞNG VÀ TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH LÀ HIỆN THÂN NHỮNG GIÁ TRỊ CAO ĐẸP,
VĨNH HẰNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC -LÊNIN, MÃI SOI SÁNG CON ĐƯỜNG ĐI TỚI THẮNG LỢI CỦA
LỊCH SỬ VIỆT NAM
Xuất phát điểm ra đi tìm đường cứu
nước, cũng như trong quá trình hoạt động sôi nổi trong phong trào cộng sản quốc
tế, kể cả khi đã trở thành lãnh tụ tối cao của dân tộc Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc
- Hồ Chí Minh chưa bao giờ có ý định trở thành một nhà tư tưởng. Song, chính
nhờ có sự tích lũy vốn hiểu biết từ trải nghiệm cuộc sống có ích với nước, với
dân, Người đã trở thành một ngọn hải đăng về tư tưởng giữa dông tố thời đại.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự tiếp thu,
chọn lọc những giá trị tư tưởng nhân bản, nhân văn của dân tộc và thế giới. Tư
tưởng Hồ Chí Minh là sự thể hiện lòng yêu nước, thương nòi, đức bao dung, sống
hiến dâng cho Tổ quốc và đồng bào. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tầm trí tuệ cao xa;
nhận thức đúng trong thực tại, tính toán đúng cho tương lai; đặt lợi ích dân
tộc và lợi ích nhân dân lên trên hết, nhưng không bó hẹp trong chủ nghĩa dân
tộc cực đoan. Tư tưởng Hồ Chí Minh được toát lên từ lời nói, cử chỉ, hành động,
lối sống, đạo đức cách mạng, luôn thống nhất ở “cần, kiệm, liêm, chính, chí
công vô tư”.
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là biểu
tượng cho giá trị văn hóa; yêu thương, quý trọng con người; thức tỉnh và bồi
đắp lương tri. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã đưa một dân tộc nô lệ giành được độc
lập; định vị trên bản đồ thế giới với một bản sắc chính trị, văn hóa. Tư tưởng
Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc đi từ cuộc trường chinh này đến cuộc trường
chinh khác, để chứng minh chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa
dân tộc và nhân loại cùng cuộc đời cách mạng đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến trực
tiếp với chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào
thực tiễn cách mạng mà Hồ Chí Minh để lại cho muôn đời sau là kho báu tư tưởng
vô giá của Người.
Đảng ta, nhờ biết kiên định nền tảng
tư tưởng nêu trên mà xứng đáng là người đại diện duy nhất cho lợi ích dân tộc;
mang lại quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân; đóng
góp xứng đáng vào sự tiến bộ chung của nhân loại.
Hiện nay, trên mạng xã hội thường
xuyên xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, bóp méo lịch sử, núp bóng chiêu bài
dân chủ, nhân quyền, sắc tộc, tôn giáo, hòng hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; như trước đây từng có những trào lưu tư tưởng phi Mácxít,
xét lại. Kẻ thù của cách mạng nước ta lúc này, ngoài các thế lực phản động, các
phần tử cơ hội chính trị, còn có một bộ phận những người đứng trong hàng ngũ
của Đảng, song lại suy thoái tư tưởng chính trị, xuống cấp đạo đức, lối sống,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Thực chất, đó là sự rời bỏ lý tưởng
cộng sản, từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, thiêu rụi thành quả cách
mạng mà Đảng lãnh đạo nhân dân ta suốt 89 năm qua. Niềm tin của nhân dân với
Đảng vẫn là thành trì bảo đảm sự sống còn của Đảng, nhưng nếu không bảo vệ vững
chắc nền tảng tư tưởng của Đảng thì niềm tin cũng sẽ bị xói mòn và sụp đổ.
Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ
phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí
công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Thực hiện Di chúc của Người, trong
suốt 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã luôn giương cao ngọn cờ
bách chiến, bách thắng mà Người trao truyền, nhờ vậy mà giữ vững độc lập dân
tộc, thống nhất Tổ quốc, đổi mới đất nước.
Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII
là nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trở thành hiện thân của giá trị đạo đức, văn
minh. Nghị quyết số 35-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ban hành ngày 22-10-2018 về “Tăng
cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai
trái, thù địch trong tình hình mới” cũng chính là sự tiếp tục cụ thể hóa Di
chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, yêu cầu mới của cách mạng
Việt Nam. Đưa Nghị quyết này vào cuộc sống là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên
của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì còn nền tảng tư tưởng của Đảng thì
chắc chắn còn Đảng, còn chế độ./.
PGS.TS Trần Viết Lưu
(Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương)
Đang truy cập: 621
Hôm nay: 1,836
Tổng lượt truy cập: 1,106,464