Ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ thất, tôi làm thuê ở
Pari, khi thì làm cho một cửa hàng phóng đại ảnh, khi thì vẽ “đồ cổ mỹ nghệ
Trung Hoa” (do một xưởng của người Pháp làm ra). Hồi đó, tôi thường rải truyền đơn
tố cáo tội ác bọn thực dân Pháp ở Việt Nam.
Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm
tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu
Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước
đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết.
Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy
– (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) – đã tỏ đồng tình với tôi, với
cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì,
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu.
Hồi ấy, trong các chi bộ của Đảng Xã hội, người ta bàn cãi
sôi nổi về vấn đề có nên ở lại trong Quốc tế thứ hai, hay là nên tổ chức một Quốc
tế thứ hai rưỡi, hoặc tham gia Quốc tế thứ ba của Lênin? Tôi dự rất đều các cuộc
họp một tuần hai hoặc ba lần. Tôi chăm chú nghe những người phát biểu ý kiến.
Lúc đầu, tôi không hiểu được hết. Tại sao người ta bàn cãi hăng như vậy? Với Quốc tế thứ hai, hoặc thứ hai rưỡi,
hay là thứ ba, thì người ta cũng đều làm được cách mạng cả, sao lại phải cãi
nhau? Và còn quốc tế thứ nhất nữa, người ta đã làm gì với nó rồi?
Điều mà tôi muốn biết hơn cả – và cũng chính là điều mà người
ta không thảo luận trong cuộc họp là: vậy thì cái quốc tế nào bênh vực nhân dân
các nước thuộc địa?
Trong một cuộc họp, tôi đã nêu câu hỏi ấy lên, câu hỏi quan
trọng nhất đối với tôi. Có mấy đồng chí đã trả lời: Đó là Quốc tế thứ ba, chứ
không phải Quốc tế thứ hai. Và một đồng chí đã đưa cho tôi đọc Luận cương của
Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa đăng trên báo Nhân đạo.
Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng
cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận
cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi sáng tỏ, tin tưởng biết
bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to
lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đầy đau khổ?
Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ
ba.
Trước kia, trong các cuộc họp chi bộ tôi chỉ ngồi nghe người
ta nói; tôi cảm thấy người nào cũng có lý cả, tôi không phân biệt được ai đúng
ai sai. Nhưng từ đó tôi cũng xông vào những cuộc tranh luận. Tôi tham gia thảo
luận sôi nổi. Mặc dù chưa biết đủ tiếng Pháp để nói hết ý nghĩ của mình, tôi vẫn
đập mạnh những lời lẽ chống lại Lênin, chống lại Quốc tế thứ ba. Lý lẽ duy nhất
của tôi là: Nếu đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu đồng chí không
bênh vực các dân tộc thuộc địa thì đồng chí làm cái cách mạng gì?
Không chỉ tham gia các cuộc họp của chi bộ mà thôi, tôi còn
đến những chi bộ khác để bênh vực lập trường “của tôi”. Ở đây, tôi cần nhắc
thêm rằng các đồng chí Mácxen Casanh, Vayăng Cutuyariê, Môngmútxô và nhiều đồng
chí khác đã giúp đỡ tôi hiểu biết thêm. Cuối cũng ở Đại hội thành phố Tua, tôi
cùng các đồng chí ấy biểu quyết tán thành tham gia Quốc tế thứ ba.
Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ
nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một,
trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin, vừa làm công tác thực
tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới
giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi
ách nô lệ.
Ở nước ta và ở Trung Quốc cũng vậy, có câu chuyện đời xưa về
cái “cẩm nang” đầy phép lạ thần tình. Khi người ta gặp những khó khăn lớn, người
ta mở cẩm nang ra, thì thấy ngay cách giải quyết. Chủ nghĩa Lênin đối với chúng
ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang”
thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường
chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng. đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng
sản.
Trích:
Hồ Chí Minh: Toàn tập,
Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật,
Hà Nội, 2011, t.12, tr.561-563.
Đang truy cập: 321
Hôm nay: 1,549
Tổng lượt truy cập: 1,108,440