Đến bây giờ, câu chuyện những người đồng bào Vân Kiều,
Pa Kô được vinh dự mang họ Bác Hồ luôn in sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ
đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị. Năm 1946, trước khi chuẩn bị Tổng tuyển
cử, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ cử đoàn cán bộ vào thăm hỏi đồng bào hai dân
tộc Vân Kiều, Pa Kô ở mặt trận phía Tây Trị Thiên. Chuyến đi đó, cán bộ làm
nhiệm vụ của Bác Hồ giao đã mang theo nhiều bức ảnh của Bác tặng các bản, rất
nhiều áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc
của Đảng. Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ, ngày 26/6/1946,
các già làng đã tự nguyện tụ họp dưới chân núi Cóc Tăng tổ chức lễ đâm trâu,
cắt máu ăn thề người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Các già
làng đều thống nhất lấy họ Hồ của Bác làm họ chung cho cả hai dân tộc Vân Kiều,
Pa Kô. Một thời gian sau, khi nghe tin Bác Hồ vào thăm vùng tuyến lửa Quảng
Bình, Vĩnh Linh, ngày 16/6/1957, Ban chỉ đạo miền núi Quảng Trị đã cử đoàn công
tác ra Quảng Bình để xin cho đồng bào Pa Kô, Vân Kiều được mang họ Hồ của Bác
và được Bác đồng ý. Từ đó, những người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô hết thế hệ này
đến thế hệ khác, luôn động viên nhau, cùng nỗ lực để xứng đáng là người mang họ
Hồ của Bác.
Người cán bộ được nhân dân tin yêu
Anh Hồ Ngọc Thịnh luôn tự hào được vinh dự mang họ Bác
Hồ
Đến thôn A La, xã Ba Nang, huyện Đakrông, chúng tôi
nghe người dân kể rất nhiều việc tốt về anh Hồ Ngọc Thịnh (40 tuổi). Điều đầu
tiên khiến chúng tôi ấn tượng với anh Thịnh chính là sự hiền lành, giản dị và
cương trực. Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nghèo lại đông anh em ở giữa
vùng núi cao nên từ bé, anh Thịnh đã biết phụ giúp gia đình mưu sinh. Tuy chẳng
được học hành đến nơi đến chốn nhưng anh Thịnh vẫn được đánh giá là người thông
minh, làm kinh tế giỏi, sống mẫu mực, trách nhiệm với cộng đồng và nuôi dạy các
con học hành chu đáo. Những điều đó đã khiến cấp ủy, chi bộ và người dân trong
vùng tín nhiệm bầu anh giữ chức bí thư chi bộ, trưởng thôn A La suốt 3 nhiệm kỳ
liên tiếp.
Thôn A La có 66 hộ dân với 389 nhân khẩu, đời sống của
người dân nơi đây chủ yếu làm nương rẫy, trồng rừng, chăn nuôi. Cách đây 10 năm
về trước, mọi sản xuất của người dân còn ở mức độ nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế
chưa cao. Nhận thức được điều đó, anh Thịnh đã tích cực học hỏi từ cán bộ phụ
trách nông nghiệp cấp huyện, xã để truyền đạt lại nhiều kiến thức sản xuất cho
người dân. Để người dân tin tưởng, vợ chồng anh Thịnh đã khai hoang, áp dụng
khoa học kỹ thuật vào trồng 9 ha tràm, 2 ha sắn KM 94, 2 ha bời lời đỏ, 1 ha
dứa. Đồng thời tận dụng diện tích đồng cỏ, nguồn thức ăn có sẵn ở vùng đồi núi
để chăn nuôi bò. Việc làm ăn thuận lợi đã đem đến cho gia đình anh nguồn thu
nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm. Nhờ có kinh tế khấm khá nên anh Thịnh có
thêm điều kiện để nuôi 3 người con gái học hành. Hiện cô con gái đầu Hồ Thị
Xuân Diệu (sinh năm 1999) đang là sinh viên năm 2, Trường Đại học Luật, Đại học
Huế; 2 cô con gái còn lại được anh Thịnh cho ra trung tâm huyện Đakrông theo
học bán trú bậc THPT và THCS.
Được anh Thịnh chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, nuôi
dạy con ăn học nên nhiều hộ dân trong thôn dần dần làm theo và đã thoát nghèo,
chăm lo hơn cho việc học của các con. Đối với những hộ có kinh tế khó khăn, anh
Thịnh sẵn sàng cho mượn tiền không tính lãi, hoặc giúp đỡ một số tiền nhỏ để
người dân trong thôn mua cây, con giống, phân bón. Đồng thời anh còn tư vấn tận
tình, bắt tay chỉ việc từ cách trồng đến chăm sóc cây trồng, vật nuôi để mang
lại hiệu quả cao. Những hộ dân được anh giúp đỡ đã dần thoát nghèo, cuộc sống
được cải thiện hơn trước. Nhiều năm nay, thôn A La được đánh giá là thôn vững
mạnh toàn diện và được công nhận là thôn văn hóa đạt chuẩn cấp huyện.
Suốt nhiều năm làm cán bộ thôn, anh Hồ Ngọc Thịnh nhận
được trên 20 giấy khen của các cấp, đó động lực để anh tiếp tục phục vụ nhân
dân, đưa thôn A La ngày càng phát triển về mọi mặt.
Cựu chiến binh mẫu mực
Sinh ra và lớn lên trong những năm cả nước dồn sức cho
cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên khi vừa tròn 15 tuổi, ông Hồ Văn Cả
(sinh năm 1955) ở thôn Khe Hó, xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh đã tham gia công tác
giao liên, phục vụ chiến trường. Một thời gian sau, ông Cả tham gia lực lượng
dân quân để cùng bộ đội đánh giặc bảo vệ quê hương. Sau khi đất nước thống
nhất, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba. Năm 1976,
ông Cả trở về Khe Hó rồi lập gia đình cùng bà Hồ Thị Lan (sinh năm 1958) và bắt
tay vào làm kinh tế. Với sự cần cù chịu khó, vợ chồng ông Cả đã dần có cuộc
sống no đủ. Để nuôi 8 người con ăn học, ông Cả cùng vợ tìm tòi, học cách làm
lúa nước, trồng tràm, cao su, chăn nuôi bò để phát triển kinh tế. Chẳng bao lâu
sau, gia đình ông đã có 3 ha tràm, 3 ha cao su, gần 4 sào lúa nước và đàn bò
sinh sản. Nhờ biết làm kinh tế nên gia đình ông Cả có điều kiện để chăm lo cho
việc học của các con. Hiện nay, 8 người con của ông Cả đã lập gia đình và trở
thành những cán bộ, đảng viên, công dân gương mẫu của xã Vĩnh Hà.
Cựu chiến binh Hồ Văn Cả là tấm gương điển hình trong
làm kinh tế ở thôn Khe Hó
Ở thôn Khe Hó, gia đình ông Cả luôn được người dân
khen ngợi và nể phục bởi những việc làm thiết thực vì cộng đồng. Thấy nhiều
người dân trong thôn chưa biết cách làm kinh tế, đặc biệt là làm lúa nước, ông
Cả đã nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật nên nhiều hộ dân đã
làm ăn có hiệu quả hơn. Năm 2014, gia đình ông Cả tự nguyện hiến một phần mảnh
vườn sát nhà để cùng nhân dân làm đường bê tông vào khu dân cư trong thôn. Hơn
chục năm qua, những lúc trong thôn có người ốm đau, hoạn nạn là ông Cả lại có
mặt để giúp đỡ. Ông còn là người đi đầu trong xây dựng khối đoàn kết ở khu dân
cư.
Nhiều năm qua, mỗi lúc rảnh rỗi, ông Cả lại đi đến
từng nhà trong thôn để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Ông còn lồng ghép việc vận
động trẻ đến trường đầu năm học mới và cùng các gia đình tháo gỡ khó khăn để
những học sinh có ý định bỏ học được đến trường. Đối với thế hệ trẻ, ông thường
khuyên răn phải ra sức học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho
xã hội.
Nữ công bộc
tận tụy vì dân
Ở thôn Trường Thành, xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh có
một người phụ nữ được cấp ủy, chi bộ và người dân tín nhiệm bầu làm bí thư chi
bộ, trưởng thôn trong suốt 11 năm liền, đó bà là Hồ Thị Mừng, năm nay 57 tuổi.
Bà Hồ Thị Mừng (bên trái) luôn dành nhiều tình cảm đối
với người già, trẻ em ở thôn Trường Thành
Thôn Trường Thành nằm về phía Bắc của xã Vĩnh Trường,
cách trung tâm xã chừng 6 km, có 20 hộ dân với 85 nhân khẩu. Bao đời nay, người
dân nơi đây rất coi trọng việc sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với nương rẫy
nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có của địa phương. Khi mới đến mảnh
đất này lập nghiệp, bà Mừng cùng chồng đã tạo ra sự khác biệt trong làm kinh tế
khi biết be bờ, dẫn nước từ suối về làm lúa nước để đảm bảo lương thực. Và khi
nỗi lo về lương thực được giải quyết, bà cùng chồng bắt đầu tính đến việc trồng
rừng tràm, cao su, dựng chuồng trại chăn nuôi trâu, bò. Nhờ có cách làm đúng
hướng nên chẳng bao lâu sau, gia đình bà Mừng đã dần thoát khỏi cảnh nghèo
túng. Năm 2005, chồng mất, một mình bà Mừng gồng gánh đủ việc trong gia đình và
nuôi 5 người con khôn lớn. Khi 4 người con gái đi lấy chồng, cậu con trai út
cũng yên bề gia thất, bà Mừng như vơi bớt nỗi lo và có nhiều thời gian hơn để
giúp đỡ mọi người. Tuy là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng việc nào bà Mừng cũng
làm một cách trôi tròn và được mọi người khen ngợi. Năm 2007, cấp ủy, chi bộ và
người dân thôn Trường Thành đều đồng lòng bầu bà Hồ Thị Mừng giữ chức bí thư
chi bộ, trưởng thôn. Trải qua 11 năm, bà Mừng luôn được người dân Trường Thành
đánh giá là người công bộc tận tụy.
Đã nhiều năm trôi qua, người dân Trường Thành rất quen
thuộc với hình ảnh bà Mừng đến tận từng nhà trò chuyện, ân cần thăm hỏi, động
viên họ vươn lên trong cuộc sống. Bởi gần dân, bà Mừng luôn nắm bắt mọi tâm tư,
nguyện vọng chính đáng của người dân và trực tiếp giải quyết nên tình hình an
ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thôn Trường Thành luôn ổn định. Bên
cạnh đó, bà Mừng tích cực vận động nhân dân trong thôn thực hiện tốt chủ trương
của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tích cực học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xứng đáng là con cháu
mang họ Bác Hồ.
Mỗi lúc trong thôn có người gặp hoạn nạn hay cần giúp
đỡ việc nương rẫy, làm nhà, đào ao nuôi cá… bà Mừng đều đứng ra kêu gọi mọi
người chung tay giúp sức. Những việc làm đó của bà Mừng đã làm cho người dân
trong thôn ngày càng đoàn kết, yêu thương nhau, cuộc sống thêm bình yên, hạnh
phúc.
Nhiều năm tận tụy trong công tác, bà Hồ Thị Mừng đã 2
lần được UBND tỉnh tặng bằng khen về điển hình học tập và làm theo tấm gương
đạo đức Hồ Chí Minh và nhiều giấy khen của các cấp. Kỳ tới, bài 2: Phát huy sức
trẻ xây dựng quê hương.
Nhơn Bốn - báo Quảng Trị
Đang truy cập: 316
Hôm nay: 1,151
Tổng lượt truy cập: 1,126,674