Đề cương Cuộc thi tìm hiểu “30 năm Ngày Hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”
Ban biên tập trân trọng gửi đến các cấp bộ Đoàn, cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên Đề cương Cuộc thi "Tìm hiểu 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2019) và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2019).
Câu 1. Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tiền
thân của Quân đội nhân dân Việt Nam thành lập ngày, tháng, năm nào? ở đâu? do
ai làm Đội trưởng và Chính trị viên đầu tiên? Tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là gì?
Để tiếp tục xây dựng,
phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, tháng 12 năm
1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân.
Theo Chỉ thị của Lãnh
tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập vào
ngày 22 tháng 12 năm 1944, tại khu rừng giữa 2 tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng
Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện
Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy
nhiệm lãnh đạo. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 người, biên chế
thành 3 tiểu đội, đồng chí Hoàng Sâm được giao làm đội trưởng và đồng chí Xích
Thắng làm Chính trị viên. Đội có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Tư tưởng chỉ đạo khi thành lập Đội Việt
Nam tuyên truyền giải phóng quân được nhấn mạnh trong
Chỉ thị là: “1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng
hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền..., nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những
du kích Cao - Bắc - Lạng
số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực... 2.
Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay
Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung... Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng
tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc,
khắp đất nước Việt Nam”.
Thực hiện Chỉ thị của
Lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải
thắng lợi”. Ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
đã đánh thắng giòn giã liền hai trận: Phai Khắt (ngày 25/12) và Nà Ngần
(26/12), mở đầu cho truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của quân
đội ta.
Ngày 22 tháng 12 năm
1944, đánh dấu sự ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân
đội nhân dân Việt Nam - một tổ chức quân sự mới của dân tộc Việt Nam. Kể từ
đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Quân đội ta phát triển nhanh
chóng, không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, làm nòng cốt trong đấu tranh vũ
trang của toàn dân, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh chính trị của quần chúng, góp
phần xứng đáng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng tám năm 1945, lập nên nước Việt
Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Câu
2. Khái quát quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và những chiến công nổi
bật của Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi thành lập đến nay?
Để đáp ứng yêu cầu bức
thiết của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt
Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí
Minh. Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng quyết định hợp
nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải
phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải
phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân
được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (năm 1946), đến
năm 1950 được đổi tên là Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1944
được lấy làm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, chiến
tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Thời cơ để nhân dân Việt
Nam vùng dậy giành tự do, độc lập đã đến. Sau khi phân tích tình hình, Trung
ương Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Quân đội ta làm nòng cốt cùng toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính
quyền trên toàn quốc.
Trong năm đầu xây dựng,
bảo vệ chính quyền nhân dân, Quân đội ta vừa xây dựng, vừa chiến đấu và sẵn
sàng chiến đấu, cùng toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ chống giặc ngoài, thù
trong, góp phần bảo vệ vững chắc chính quyền nhân dân, xứng đáng là công cụ bạo
lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Trong
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), dưới sự lãnh đạo của
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia toàn quốc
kháng chiến, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực
dân Pháp (1946-1947); đánh bại âm mưu “bình định” và “phản công” của địch
(1948-1952); giành thắng lợi trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là
chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1953-1975),
Quân đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh đơn
phương” (1954- 1960); chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến
tranh cục bộ” (1965- 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1972) của đế quốc
Mỹ; tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước.
Trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ năm 1975 đến nay), Quân
đội nhân dân Việt Nam cùng toàn dân khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống
nhân dân, đưa sự nghiệp cách mạng sang một giai đoạn mới; cùng toàn dân giành
thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới
phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia.
Được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập,
lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, Quân đội ta không ngừng lớn mạnh, trưởng
thành, thật sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc,
có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước trong hơn 30 năm đổi
mới. Quân đội đã thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự,
quốc phòng; xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập,
chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước,
nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng
nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh
nhân dân vững chắc trên địa bàn cả nước. Chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ
và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt
hơn yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chủ động hội
nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy xu
thế hòa bình hợp tác trong khu vực và trên thế giới. Tập trung nâng cao năng lực
lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ
Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình
hình mới.
75 năm qua, dưới sự lãnh đạo, giáo dục,
rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã cùng với toàn dân vượt
qua những chặng đường đầy gian lao, thử thách, giành thắng lợi vẻ
vang, không ngừng lớn mạnh trưởng thành, cùng toàn dân đấu tranh giải phóng dân
tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với những chiến công nổi
bật đó là:
Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cải
trang, dùng mưu tập kích diệt đồn Phai Khắt. Tiếp đó, ngày 26 tháng 12 năm
1944, Đội đánh tiêu diệt đồn Nà Ngần (cách Phai Khắt 15km về phía đông bắc).
Hưởng
ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946), với
tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các chiến sĩ Vệ quốc quân, tự vệ và
nhân dân Thủ đô chiến đấu đánh địch rất dũng cảm. Nhiều trận đánh quyết liệt đã
diễn ra ở Bắc Bộ Phủ, nhà ga, cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân (Hà Nội).
Chiến thắng Việt Bắc năm 1947 (từ 07/10
đến 20/12/1947): Ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6.000 tên địch, thu và phá hủy
nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; làm phá sản chiến lược “Đánh
nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo
vệ cơ quan lãnh đạo và căn cứ địa kháng chiến.
Chiến thắng Biên Giới năm 1950 (từ 16/9
đến 14/10/1950): Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 10 tiểu đoàn địch,
thu trên 3.000 tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh giải phóng khu vực biên giới
từ Cao Bằng đến Đình Lạp (Lạng Sơn), mở thông giao lưu quốc tế.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm
1954 (từ 13/3 đến 07/5/1954): Quân và dân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ chấm
dứt chiến tranh, khôi phục lại hòa bình ở Đông Dương.
Đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại lần
thứ nhất của đế quốc Mỹ ở miền Bắc (07/02/1965 - 01/11/1968): Quân và dân miền
Bắc bắn rơi 3.243 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 143 tàu chiến, tàu biệt kích...
buộc Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc (ngày 01
tháng 11 năm 1968).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước, quân và dân ta đã giành thắng lợi vô cùng to lớn như: Chiến thắng Bình
Giã (02/12/1964 - 03/01/1965); Chiến thắng Núi Thành (26/5/1965); Chiến thắng Vạn
Tường (18 - 19/8/1965); Chiến thắng Plây Me (19/10 - 26/11/1965); Cuộc Tổng tiến
công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào
(30/01 - 23/3/1971).
Quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến
tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (06/4/1972 - 15/01/1973); một lần nữa,
quân và dân miền Bắc anh dũng chiến đấu, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng
máy bay B-52 của địch, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam vào ngày 27 tháng 01 năm
1973.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 (từ 26 đến
30/4/1975): 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cờ Tổ quốc tung bay trước
tòa nhà chính của Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm lịch sử thiêng liêng: Sài
Gòn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Từ khi nước nhà thống
nhất, quân và dân ta đã đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên
giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.
Những thành tích, chiến công, sự trưởng
thành lớn mạnh của Quân đội ta trong hơn 70 năm qua gắn liền với sự lãnh đạo
tài tình của Đảng và công ơn giáo dục, rèn luyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 3. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, chức
năng, nhiệm vụ của Quân đội ta được biểu hiện như thế nào?
- Là công cụ bạo lực của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta chiến
đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, của giai cấp công nhân và
lợi ích của dân tộc, của nhân dân: Vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh
phúc của nhân dân. Ngoài mục tiêu, lý tưởng đó, Quân đội ta không có mục tiêu,
lý tưởng nào khác. Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội là sự phản ánh sâu sắc, tập trung nhất bản chất giai cấp công nhân, tính
nhân dân, tính dân tộc của Quân đội ta; khác về bản chất so với mục tiêu chiến
đấu của Quân đội tư sản là nhằm thực hiện đường lối đối nội, đối ngoại phản động
của giai cấp bóc lột, chống lại nhân dân lao động trong nước, xâm lược và nô dịch
các dân tộc khác.
- Mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của
Quân đội được cụ thể hóa thành nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong từng thời
kỳ, giai đoạn cách mạng; là định hướng chính trị cho nhận thức và hành động, đồng
thời là động lực thúc đẩy mọi cán bộ, chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện, xây dựng ý
chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Mục tiêu, lý tưởng
chiến đấu của Quân đội ta được biểu hiện ở những nội dung cơ bản sau: Kiên quyết,
kiên trì thực hiện mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ
quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt
vai trò nòng cốt trong củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã
hội chủ nghĩa. Tích cực, chủ động đấu tranh phòng chống âm mưu, thủ đoạn
“diễn biến hòa bình”, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch phủ nhận mục
tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội ta.
- Quân đội ta có ba
chức năng cơ bản:
+ Một là, chức năng đội quân
chiến đấu: Là chức năng cơ bản, chủ yếu, phản ảnh bản chất cách mạng, quan điểm,
đường lối quân sự của Đảng ta, đồng thời là chức năng nổi trội phản ánh tính chất
hoạt động quân sự.
+ Hai là, chức năng đội quân
công tác: Là chức năng cơ bản, quan trọng thuộc về bản chất, truyền thống của
Quân đội ta.
+ Ba là, chức năng đội quân
lao động sản xuất: Là chức năng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, thuộc về bản chất,
truyền thống tốt đẹp của Quân đội, vừa chiến đấu vừa sản xuất góp phần nâng cao
đời sống bộ đội.
- Hiện nay, Quân đội
ta có 5 nhiệm vụ cơ bản:
+ Một là, sẵn sàng chiến đấu
và chiến đấu thắng lợi.
+ Hai là, huấn luyện, xây dựng
Quân đội, đơn vị vững mạnh toàn diện.
+ Ba là, tích cực tham gia
lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện
đời sống bộ đội.
+ Bốn là, thực hiện tốt công
tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
+ Năm là, củng cố, xây dựng
và phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân và quân đội các nước vì
hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Câu hỏi 4: Ngày Hội Quốc phòng toàn dân được
Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định vào ngày, tháng, năm nào? Ý nghĩa của
ngày Hội Quốc phòng toàn dân?
Ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư
Trung ương Đảng (khóa VI) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW quyết định lấy ngày 22
tháng 12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là ngày Hội Quốc phòng
toàn dân.
Ý
nghĩa của ngày Hội Quốc phòng toàn dân: Là ngày Hội của truyền thống bảo vệ Tổ
quốc, ngày Hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - Một nét độc
đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Ngày Hội Quốc phòng toàn
dân cũng là dịp để phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh Đại đoàn
kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Câu
5: Đồng chí (anh, chị) hãy làm rõ mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh được
xác định trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng?
Mục tiêu trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XII của Đảng thể hiện bước tiến mới trong tư duy lãnh đạo của
Đảng ta theo hướng toàn diện, sâu sắc hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ
Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải
quán triệt sâu sắc và cụ thể hoá, triển khai thực hiện có hiệu quả trong giai
đoạn hiện nay.
Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, trang 147) xác định: “Mục tiêu
trọng yếu của quốc phòng, an ninh là: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của
toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ
của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và
chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.
Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về
mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc vừa là đòi hỏi khách
quan của chính sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh lịch sử mới, vừa là kết
quả tổng kết về lý luận và thực tiễn bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng
qua các giai đoạn, mà trước hết là trong 30 năm đổi mới. Tư duy mới của Đảng về
mục tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc hiện nay được thể hiện
trên những vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, Đảng ta xác định để thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc cần
phải “Tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết,
kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của
Tổ quốc”.
Thứ hai, mục tiêu trọng yếu của quốc
phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đã được khái quát hoá cao và theo đó nội hàm bảo
vệ Tổ quốc được mở rộng, đầy đủ, toàn diện và thể hiện rõ mối quan hệ chặt chẽ,
thống nhất hơn.
Thứ ba, Đảng ta xác định, trong mục
tiêu trọng yếu của quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc hiện nay: “Giữ vững môi
trường hoà bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”
là lợi ích cao nhất của Tổ quốc.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta phải nêu cao trách nhiệm quán triệt sâu sắc, triển khai có hiệu quả các
quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đại hội XII của Đảng xác định. Trong đó,
cần tập trung mọi nỗ lực để giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp
về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung thống nhất của Nhà nước đối với Quân
đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh công tác
thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và từng
người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng
vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân. Phát huy sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh
đạo, Nhà nước quản lý, lực lượng vũ trang làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh;
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Câu 6. Hãy nêu những nội dung cơ bản
xây dựng nền quốc phòng toàn dân được qui định trong Luật Quốc phòng năm 2018?
Điều 7, Luật Quốc phòng năm 2018 qui định:
“Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên
nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất
toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường”. Đồng thời, qui định nội dung
cơ bản xây dựng nền quốc phòng toàn dân bao gồm:
1. Xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc,
kế hoạch phòng thủ đất nước; nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam;
xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh;
2. Xây dựng thực lực, tiềm lực
quốc
phòng; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt
bảo vệ Tổ quốc;
3. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật;
phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, khoa học, công nghệ quân sự; huy động tiềm lực khoa học, công nghệ
của Nhà nước và Nhân dân phục vụ quốc phòng; ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ quân sự phù hợp để
xây dựng đất nước;
4. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch
bảo đảm nhu cầu dữ trữ quốc gia cho quốc phòng; chuẩn bị các điều kiện cần thiết
bảo đảm động viên quốc phòng;
5. Xây dựng phòng thủ Quân khu, khu vực phòng thủ vững chắc toàn diện, hợp thành
phòng thủ đất nước; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng vùng chiến lược, trọng điểm, biển, đảo, khu vực biên giới, địa bàn xung yếu; xây dựng thế trận
quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong
phạm vi cả nước;
6. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch, biện pháp về chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng;
7. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế
hoạch, biện pháp phòng thủ dân sự trong phạm vi cả nước;
8. Đối ngoại quốc phòng;
9. Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và
kinh tế - xã hội với quốc phòng; kết hợp quốc phòng với an ninh, đối ngoại;
10. Xây dựng và bảo đảm chế độ, chính
sách đối với lực lượng vũ trang nhân dân, thân nhân của người phục vụ trong lực
lượng vũ trang nhân dân;
11. Tuyên truyền,
phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về
quốc phòng; thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh.
Câu
7. Nêu quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng; các hành vi bị nghiêm cấm
trong lĩnh vực quốc phòng, được quy định trong Luật Quốc phòng năm 2018?
Điều 5, Luật Quốc phòng 2018
qui định về quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng như sau:
1. Bảo vệ Tổ quốc
là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
2. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; phải thực hiện nghĩa vụ
quân sự; có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân;
chấp hành biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ
quốc phòng theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên
quan.
3. Công dân được
tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về quốc
phòng; giáo dục quốc phòng và an ninh; trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng thủ dân sự theo quy đinh của pháp luật.
4. Công dân phục vụ trong lực lượng vũ
trang nhân dân hoặc được huy động làm nhiệm vụ quốc phòng thì bản thân và thân
nhân được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
5. Công dân bình đẳng trong thực
hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Điều 6,
Luật Quốc phòng năm 2018 qui định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực quốc
phòng như sau:
1. Chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nhân dân, Đảng,
Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức
vũ trang trái pháp luật.
3. Điều động, sử dụng người, vũ khí,
vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trang bị, thiết bị phương tiện để tiến hành hoạt động vũ trang khi
chưa có lệnh hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc không có trong kế hoạch
huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu đã được phê duyệt.
4. Chống lại hoặc cản trở cơ quan, tổ
chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
5. Lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện
nhiệm vụ quốc phòng để xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của
cơ quan, tổ chức, cá nhân.
6. Phân biệt đối xử về giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Câu
8: Đồng chí (anh, chị) hãy trình bày hiểu biết về giáo dục quốc phòng và an
ninh trong nhà trường theo Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013?
Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh
qui định về giáo dục quốc phòng và an ninh trong nhà trường như sau:
Đối với Trường tiểu học, trung học cơ
sở: Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường tiểu học, trung học cơ sở được
thực hiện lồng ghép thông qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp
với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi. Bảo đảm cho học sinh hình thành
những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và
giữ nước của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân; ý thức kỷ luật, tinh thần
đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Đối với trung học phổ thông, trung cấp
chuyên nghiệp, trung cấp nghề: Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường
trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề là môn học chính khoá.
Bảo đảm cho học sinh có hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng
toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống giặc ngoại
xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có
kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại học:
Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục
đại học là môn học chính khóa. Bảo đảm cho người học có kiến thức cơ bản về
quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về quốc phòng và an ninh;
xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quốc
phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang
nhân dân; bổ sung kiến thức về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực
hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức dạy và học tập trung tại trung
tâm giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc trường cao đẳng nghề, cơ sở giáo dục đại
học. Trong chương trình đào tạo, căn cứ vào điều kiện cụ thể phối hợp với cơ quan,
tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức cho người học nghiên cứu, học tập ngoại khóa
với nội dung và hình thức thích hợp.
Câu
9 : Đồng chí (anh, chị) hãy khái quát những điểm mới nổi bật trong Luật Nghĩa vụ
quân sự năm 2015?
Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (số
78/2015/QH13), có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, có những điểm
mới nổi bật đó là:
Các hành vi bị nghiêm cấm: Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự; chống đối,
cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ
quân sự; lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái qui định về nghĩa vụ quân sự; sử
dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái qui định của pháp luật; xâm phạm thân thể, sức khỏe;
xúc phạm danh dự, nhân phẩm của hạ sĩ quan, binh sĩ.
Công dân thuộc một trong các
trường hợp sau đây không được đăng ký nghĩa vụ quân sự: Đang bị truy cứu trách
nhiệm hình sự; đang chấp hành hình phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế hoặc
đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện
pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc,
cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối tượng miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người khuyết tật, người mắc bệnh
hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh nhân mãn tính theo qui định của pháp luật.
Thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ
là 24 tháng. Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính từ
ngày giao, nhận quân; trong trường hợp không giao nhận
quân tập trung thì tính từ ngày đơn vị Quân đội nhân dân tiếp nhận đến khi được
cấp có thẩm quyền quyết định xuất ngũ. Thời gian đào ngũ, thời gian chấp hành hình
phạt tù tại trại giam không được tính vào thời gian phục vụ tại ngũ.
Công dân được đào tạo trình độ cao đẳng,
đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Hàng năm, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa
vụ tham gia Công an nhân dân một lần vào tháng hai hoặc tháng ba. Trong trường
hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh thì được gọi công dân nhập ngũ và thực
hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân lần thứ hai.
Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây: Chưa đủ sức khỏe phục
vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe; là lao động duy nhất phải
trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi
lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn,
thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; một
con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ
61% đến 80%; có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại
ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; người
thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo
dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do ủy
ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định; cán bộ, công chức, viên chức, thanh
niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh
tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo qui định của Pháp luật; đang học tại cơ sở
giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính qui thuộc cơ sở
giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính qui thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp
trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Miễn gọi nhập ngũ với những công dân sau đây:
Con liệt sĩ, con của thương binh hạng một; một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
một con của thương binh hạng hai; một con của thương binh suy giảm khả năng lao
động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng
lao động từ 81% trở lên; người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân,
Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều
động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó
khăn theo qui định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Công dân đang làm việc tại cơ quan, tổ
chức trong thời gian thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe
nghĩa vụ quân sự thì được trả nguyên lương, tiền tàu xe và các khoản phụ cấp hiện
hưởng; công dân đến đăng ký nghĩa vụ quân sự, khám, kiểm tra sức khỏe được bảo
đảm chế độ ăn, ở trong thời gian thực hiện đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe, tiền
tàu xe đi, về.
Câu 10. Đồng chí (anh, chị) trình bày
về một trong những sáng kiến, mô hình tiêu biểu hoặc viết về gương người tốt,
việc tốt ở cơ quan, đơn vị mình trong thực hiện ngày Hội Quốc phòng toàn
dân(không quá 2000 từ)?
BBT