Tôi có nhiều kỷ niệm rất đáng
nhớ, nhiều bài học hữu ích cho bản thân. Nhưng kỷ niệm được gặp và làm việc với
đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn cùng lời dặn dò của đồng chí là bài học quý giá
nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đặc biệt lúc chúng ta
đưa quân sang Campuchia cứu bạn khỏi nạn diệt chủng. Nhiều nước trên thế giới
từng ủng hộ Việt Nam
có cách nhìn chưa đúng đắn. Đến bây giờ tôi không thể nào quên được chuyến thăm
đất nước Italia năm 1987. Ở đó, tôi nhớ lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư Lê
Duẩn, chúng tôi đã đấu tranh hiệu quả trước một số luận điệu sai sự thật về
việc Việt Nam giúp Campuchia đánh quân Pol Pot và chiến tranh biên giới Tây Nam
năm 1979.
Năm 1987, với chức vụ Chủ tịch
UBND huyện Triệu Hải, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên cử tôi thay mặt khu vực
Quảng Trị đi thăm hữu nghị các tỉnh, thành phố vùng Emilia Romagna, Italia, nơi
đã viện trợ máy móc nông nghiệp cho Quảng Trị. Sau hai hôm thăm hữu nghị và
tham quan thủ đô Berlin, Cộng hòa dân chủ Đức, chúng tôi đến thành phố Bologna.
Hôm đó quan chức của thành phố
Bolonga đón tiếp chúng tôi. Đúng như tiên đoán của đồng chí Phạm Thế Duyệt, Bí
thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ trước lúc xuất phát: “Đồng chí Kham
sang bên đó vất vả lắm đấy”, tôi và họ đấu lý nhau từ 1 giờ chiều đến 1 giờ
sáng xung quanh vấn đề Việt Nam
đưa quân sang Campuchia. Căng thẳng nhất là lần đến thăm vị Chủ tịch Công đoàn
Đảng Cộng sản vùng Emilia Romagna, Italia. Từ đầu đến cuối họ một mực chất vấn
Việt Nam
đưa quân sang Campuchia và bao giờ rút khỏi Campuchia, khiến không khí vô cùng
căng thẳng. Ngay cả ban lãnh đạo Đảng Cộng sản vùng Emilia Romagna ban đầu tiếp
chúng tôi rất niềm nở. Một nữ lãnh đạo phát biểu: “Chúng tôi rất tự hào là
người Italia, chúng tôi tự hào đã giương cao ngọn cờ ủng hộ nhân dân Việt Nam
chống đế quốc Mỹ. Nhờ thắng lợi của các bạn mà chúng tôi bớt khó khăn với phái
hữu...”.
Nhưng “Chúng tôi không hiểu vì
sao các bạn lại chiến tranh với Trung Quốc. Một số đồng chí trong Đảng Cộng sản
của chúng tôi thăm Trung Quốc về cho chúng tôi biết”. Thế là rõ rồi. Tôi và anh
Lê Phước Từ (sau này là Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị) hội ý với nhau: Trung
Quốc đem 60 vạn quân đánh 6 tỉnh biên giới phía Bắc của ta lại mượn tay bạn để
xuyên tạc và vu khống ta. Do đó buộc chúng tôi phải vạch rõ âm mưu này. Nhớ lại
năm 1963, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng về
thăm đặc khu giới tuyến Vĩnh Linh.
Ông Nguyễn Kham ghi lại hồi ức của mình về Tổng Bí thư Lê Duẩn
Lúc này tôi làm Chánh Văn phòng
Khu ủy, anh Hồ Sĩ Thản là Bí thư Khu ủy. Đồng chí Lê Duẩn căn dặn chúng tôi:
“Vĩnh Linh là hậu phương vững chắc của miền Nam, cũng là tiền tuyến lớn miền
Bắc trong sự nghiệp thống nhất nước nhà. Với tầm quan trọng này, các đồng chí
phải giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên địa bàn
giới tuyến. Phải nắm vững 3 dòng thác cách mạng (hệ thống các nước xã hội chủ
nghĩa; phong trào giải phóng dân tộc và các nước độc lập dân tộc; phong trào
đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ
nghĩa), trong đó chú trọng phong trào giải phóng và độc lập dân tộc. Hiện nay
nhiều nước từng ủng hộ Việt Nam
khuyên ta nên chung sống hòa bình, chưa nên giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc.
Trong hội nghị tại Liên Xô, tôi
đã nói với các đồng chí ấy: “Khi cách mạng tháng 10 Nga gặp hiểm nguy, người
cộng sản Việt Nam
kiên trung trước mũi súng quân thù đứng về phía các đồng chí. Bây giờ các đồng
chí ủng hộ thì chúng tôi đỡ khó khăn hơn, nếu không ủng hộ thì chúng tôi vẫn
đánh thắng giặc Mỹ đến thắng lợi cuối cùng”. Thế nên các đồng chí phải nâng cao
bản lĩnh chính trị, vững vàng trước sự tấn công xuyên tạc của chủ nghĩa xét lại
các đoàn Đông Âu đến thăm giới tuyến Vĩnh Linh. Đồng thời đấu tranh với những
luận điểm trái với quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đi thăm các nước khác”.
Từ lời căn dặn của đồng chí Lê
Duẩn, chúng tôi thuyết phục được ban lãnh đạo Đảng Cộng sản vùng Emilia
Romagna, Italia tin vào sự chính nghĩa của Việt Nam trước luận điệu xuyên tạc của
các thế lực thù địch. Như trường hợp ông Ilariobrini trước đây là Phó Chủ tịch
tỉnh Bologna,
Italia. Ông sang Việt Nam và
phát biểu quan điểm ủng hộ cách mạng Việt Nam. Khi quân đội Việt Nam sang Campuchia thì Ilariobrini bị quy kết về
tội ủng hộ Việt Nam và bị
cách chức Phó Chủ tịch tỉnh Bologna.
Tối hôm ấy là chủ nhật, ông
Ilariobrini đánh xe đến khách sạn Roma tìm chúng tôi và mời chúng tôi về nhà kể
lại câu chuyện của mình. Thay mặt đoàn Việt Nam, tôi đã phát biểu như sau:
“Thưa anh, tôi xin phép được gọi anh bằng anh để tiện tâm tình với anh. Năm nay
tôi đã 58 tuổi. Tuổi thanh niên của tôi đã trôi qua hai cuộc chiến tranh vì nền
độc lập dân tộc của chúng tôi. Ở tuổi này tôi rất muốn hòa bình để chăm lo cuộc
sống cho gia đình và bản thân nên rất ghét chiến tranh, người dân đất nước
chúng tôi cũng như vậy.
Nhưng người ta lại muốn chiến
tranh và giết hại nhân dân chúng tôi ở biên giới Tây Nam. Là một nước có chủ quyền buộc
chúng tôi phải đánh trả để bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân. Trong lúc đó
Khơme đỏ tàn sát người dân Campuchia vô tội khiến đất nước này đứng trước nguy
cơ bị diệt chủng. Bạn yêu cầu giúp đỡ nên chúng tôi không thể làm ngơ. Việc
quân của chúng tôi sang Campuchia là bất đắc dĩ. Thưa anh, anh là một nhà trí
thức lớn, am hiểu sâu sắc thời cuộc, đã nhiều lần sang Việt Nam hiểu nhiều
về đất nước chúng tôi.
Đất nước chúng tôi đã trải qua
hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Cha ông chúng tôi bao giờ cũng lấy nhân
nghĩa làm trọng nên có câu: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn Lấy chí nhân để
thay cường bạo Qua các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm thì chúng tôi đánh
thắng quân Pháp 2 lần, Thái Lan 1 lần, Nhật 1 lần, Mỹ 1 lần, còn lại là từ
phương Bắc cả. Một dân tộc có truyền thống anh hùng đó không bao giờ chịu khuất
phục trước bất kỳ kẻ thù nào”. Nghe tôi nói, ông Ilariobrini gật đầu đồng tình.
Ông nói tiếp: “Sau khi bị cách
chức, tôi xin vào đội làm phim tài liệu của Italia đi Campuchia. Đến đây tôi
thấy rất rõ cuộc sống khốn khổ và tận mắt thấy nhiều núi sọ người dân bị Khơme
đỏ giết, nhiều làng mạc bị bọn diệt chủng Khơme đỏ tàn sát dã man. Tôi càng
hiểu rõ hơn về sự đúng đắn việc các bạn đưa quân sang giúp Campuchia và chẳng
ân hận gì khi ủng hộ các bạn”. Ông Ilariobrini giọng tự hào: “Tôi theo dõi mấy
tuần qua thấy phong thái các bạn chững chạc, đàng hoàng quá. Đúng cốt cách người
chiến thắng. Hôm nay tôi mời các bạn đến ăn tối để tâm tình cho vui”.
Chuyến thăm hữu nghị này để lại
trong tôi một kỷ niệm khó quên. Bây giờ thì mọi việc đã rõ. Càng rõ càng tự hào
về đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đi theo
con đường của Lênin và Bác Hồ vĩ đại, Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn luôn vun đắp cho
tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân và phong trào cộng sản, coi
đây là một nhân tố thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đặc biệt coi trọng và
góp sức nâng cao tinh thần đoàn kết hữu nghị, cùng chiến đấu vì mục tiêu chung
của các nước XHCN.
Thế giới tôn vinh ca ngợi đồng
chí Lê Duẩn bằng những lời hết sức cao đẹp, người “đại diện lỗi lạc của đội ngũ
những người cách mạng Việt Nam”, “một nhà lãnh đạo đầy tình người và sôi nổi”,
“một trong những người lãnh đạo xuất sắc nhất”, “nhà quốc tế chủ nghĩa kiên
cường, người chiến sĩ gang thép đấu tranh vì sự thống nhất của các nước XHCN”.
Minh Tuấn - Báo Quảng Trị
(Ghi theo lời kể của ông Nguyễn
Kham, ở phường 3, thị xã Quảng Trị, nguyên Chủ tịch UBND huyện Triệu Hải, cán
bộ tiền khởi nghĩa, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng)