4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước
XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ: TỰ TIN, TỰ TRỌNG, TRUNG HẬU, ĐẢM ĐANG TRONG THỜI KỲ
CNH - HĐH ĐẤT NƯỚC
Nhằm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015”. Đề án hướng đến tập trung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ theo 5 tiêu chí: Có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và giàu lòng nhân hậu. Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước được tổng quát hoá thành 4 chuẩn mực đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.
Giáo dục phẩm chất tự tin để phụ nữ vững tin vào năng lực bản thân, tự tin khi giao tiếp, ứng xử; tự lực, tự chủ, chủ động, bình tĩnh xử lý các tình huống trong cuộc sống; dám nghĩ, dám làm, dám nhận nhiệm vụ, chững chạc, mạnh dạn bày tỏ quan điểm của bản thân, dễ hòa nhập cộng đồng…
Giáo dục phẩm chất tự trọng để phụ nữ nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc coi trọng, giữ gìn phẩm chất, tư cách, danh dự của mình, không còn vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, biết lấy chuẩn mực đạo đức xã hội làm hành lang pháp lý trong mọi hành động của mình, phấn đấu để tự hoàn thiện mình, sống lạc quan, tự tin.
Đảm đang là cơ sở tạo nên những truyền thống cao đẹp khác: cần cù, thông minh, sáng tạo, anh hùng, bất khuất, giữ gìn văn hóa dân tộc... Phẩm chất đảm đang tạo nên người phụ nữ đảm đang, biết quán xuyến công việc gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, chăm chỉ, sáng tạo trong lao động; biết sắp xếp hài hòa việc gia đình với việc xã hội; bố trí thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý.
Cùng với các phẩm chất trên, phẩm chất trung thực làm nên một người phụ nữ có phẩm chất tốt. Phẩm chất trung thực tạo nên người phụ nữ trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, thủy chung với tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp; nhân ái, sống có nghĩa có tình, có lòng yêu thương, vị tha, chấp nhận hy sinh bản thân; trung thực, thẳng thắn, cương trực, công tâm.
Phẩm chất này là tiền đề, điều kiện, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại. Để có lòng tự trọng, phụ nữ cần phải rèn luyện sự tự tin, cần phải sống trung thực, nhân ái. Có tự tin mới có đủ bản lĩnh thể hiện lòng tự trọng, sự trung thực, thẳng thắn; tự tin mới có đủ năng lực để thể hiện sự đảm đang trong gia đình và đảm đang công việc xã hội. Từ tình yêu thương gia đình, lòng chung thủy với chồng, sự hiếu thảo với bố mẹ... , người phụ nữ sẽ không quản vất vả, khó nhọc để có thể toàn tâm toàn ý lo toan, đảm đang công việc gia đình mà không hề tính toán thiệt hơn. Chính sự đảm đang ấy sẽ góp phần thể hiện một cách đầy đủ nhất, sinh động nhất vẻ đẹp của lòng nhân hậu ở người phụ nữ.
Như vậy, hội tụ được 4 phẩm chất trên, người phụ nữ sẽ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực của CNH - HĐH, hội nhập quốc tế; tránh những tác động tiêu cực của thời kì CNH - HĐH và hội nhập; vượt qua những thách thức trong cuộc sống; thực hiện tốt vai trò, thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm công dân trong xã hội; tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; có cơ sở để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội.
-------------------------------
Chuyên đề 1: Phẩm chất “Tự tin” của người phụ nữ thời kỳ CNH- HĐH đất nước
Trong 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tự tin đặt ở vị trí hàng đầu.
Tự tin là tin vào bản thân mình, sẵn sàng vượt lên trên định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng thành công của mình.
Người tự tin trước hết là người tin tưởng vào năng lực bản thân, có chí tiến thủ, tự đánh giá ưu nhược điểm của bản thân. Từ đó, đặt cho mình mục tiêu để phấn đấu vươn lên, khắc phục tâm lý tự ti, rèn luyện bản lĩnh, nghị lực để đạt mục tiêu ấy.
+ Trong công việc, người tự tin là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không trốn tránh, đùn đẩy nhiệm vụ của mình cho người khác; cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
+ Trong cuộc sống, người tự tin thường quyết đoán, chủ động, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Ở người tự tin còn luôn thể hiện thái độ hợp tác cao; sẵn sàng tôn vinh thành công của người khác; đồng thời cũng luôn là người khiêm tốn, thắng không kiêu, bại không nản, coi “thất bại là mẹ thành công”, coi khó khăn là môi trường rèn luyện để thử thách năng lực và ý chí của mỗi người.
+ Trong giao tiếp, ứng xử, người tự tin thường tỏ thái độ bình tĩnh, chủ động; nói năng rành mạch, phong thái chững chạc, đường hoàng.
Vậy, vì sao trong thời kỳ CNH - HĐH, người phụ nữ cần có phẩm chất “tự tin”?
+ Trước hết, người phụ nữ cần có sự tự tin để đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH - HĐH, phát triển và hội nhập:
Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đang đòi hỏi việc trí thức hóa người lao động nữ, đào tạo nhân lực nữ có trình độ cao, biết ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất. Nếu thiếu sự tự tin vào bản thân, người phụ nữ sẽ để mất những cơ hội thay đổi, thăng tiến, cải thiện cuộc sống của mình. Sự tự tin giúp người phụ nữ tiếp cận với những thông tin, tri thức, cách suy nghĩ hiện đại, cải thiện được suy nghĩ bảo thủ, trì trệ. Do đó, nhờ tự tin, người phụ nữ sẽ tiếp cận ngày càng gần hơn với cơ hội bình đẳng và phát triển, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho gia đình, quê hương, đất nước.
+ Bên cạnh đó, trong thời kì CNH, HĐH, người phụ nữ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và nuôi dưỡng sự tự tin:
Toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận, giao lưu với nền văn hóa toàn cầu, được tiếp xúc với những phẩm chất tự tin, cởi mở của phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới, qua đó tiếp thu, bồi dưỡng, làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa về kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, giúp phụ nữ trở thành người chủ thực sự về kinh tế trong gia đình, đóng góp kinh tế cho xã hội. Người phụ nữ đã có tiếng nói, có quyền tham gia vào việc ra quyết định và thể hiện được trách nhiệm chia sẻ trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn. Để tham gia thực hiện bình đẳng giới, chị em không những phải thay đổi về mặt nhận thức, mà bản thân mình cũng phải khắc phục tâm lý tự ti, mặc cảm.
Tự tin, cố gắng vươn lên với tinh thần tự khẳng định địa vị của phụ nữ giúp phụ nữ có thể đóng góp nhiều nhất trong khả năng của mình cho xã hội, cho tương lai. Vậy, người phụ nữ cần làm gì để có được sự tự tin?
+ Chính bản thân người phụ nữ phải sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, tin vào khả năng thành công của mình.
Trong xã hội ngày nay, mặc dù công cuộc giải phóng phụ nữ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng những định kiến giới vẫn còn khá phổ biến. Do vậy, người phụ nữ hiện đại phải biết vượt qua những định kiến của xã hội, luôn vươn lên, vượt qua mọi rào cản khó khăn, thử thách; vượt qua tâm lý mặc cảm tự ti; vượt lên chính mình để không ngừng phấn đấu, học tập, khẳng định vị thế của mình trong xã hội.
+ Bản thân người phụ nữ phải tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; tự ý thức học hỏi, bồi dưỡng trí tuệ, tích lũy tri thức.
Học tập là chìa khóa để người phụ nữ tự tin mở cánh cửa hội nhập với xã hội, với thế giới, người phụ nữ cần phải tranh thủ cơ hội, điều kiện để tự học và tham gia các lớp học để nâng cao trình độ nhận thức của mình. Nữ nông dân cần học tập kiến thức về nông nghiệp, về sản xuất an toàn,..; Nữ công nhân luôn trao dồi để nâng cao kỹ thuật, tay nghề,…; nữ cán bộ viên chức học tập nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, luật pháp, chính sách; nữ doanh nhân học về nghệ thuật kinh doanh, xây dựng và giữ gìn thương hiệu,…; nữ trí thức không ngừng học tập chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nâng cao khả năng sáng tạo...; Nữ lãnh đạo quản lý tăng cường học tập kỹ năng nghiệp vụ, quản lý, kỹ năng làm việc nhóm, ra quyết định, lập kế hoạch,…
+ Để có được sự tự tin, người phụ nữ cần có ý thức rèn luyện kỹ năng sống, rèn luyện sức khỏe, giữ gìn vẻ đẹp hình thể. Trong xã hội hiện đại, đòi hỏi con người phải tích lũy được nhiều kỹ năng ứng phó, nhất là kỹ năng sống: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng học tập, kỹ năng làm việc, kỹ năng chăm sóc nuôi dạy con, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng làm đẹp, kỹ năng quản lý và đồng thời cũng rất cần quan tâm đến kỹ năng làm mẹ, làm vợ, đây chính là bí quyết để làm nên hạnh phúc gia đình, thực hiện tốt vai trò kép “ giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bên cạnh đó, trong mọi thời đại, sức khỏe và vẻ đẹp luôn là những thành tố quan trọng làm nên giá trị của mỗi con người. Do đó, để làm tròn trách nhiệm của người mẹ, người công dân trong gia đình và ngoài xã hội, người phụ nữ cần phải có sức khỏe tốt, giúp cho người phụ nữ luôn tự tin, trẻ trung, xinh đẹp, góp phần giữ gìn hạnh phúc của cá nhân, gia đình và xã hội.
Phẩm chất tự tin thuộc về bản lĩnh của mỗi người, đồng thời cũng không chỉ thể hiện trong ý nghĩ mà còn thể hiện qua thái độ, qua hành động thực tiễn của con người; gắn với khả năng thực, giá trị thực của con người. Mỗi phụ nữ hãy tự đánh giá bản thân và chủ động rèn luyện để có được sự “tự tin” của mình.
---------------------------------
Chuyên đề 2: Phẩm chất “Tự trọng” của người phụ nữ thời kỳ CNH - HĐH đất nước
Trong 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, thì “tự trọng” là phẩm chất đạo đức truyền thống của con người Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam. Từ ngàn xưa, tổ tiên chúng ta đã đặt danh dự lên hàng đầu : “Đói cho sạch, rách cho thơm”; “Tốt danh hơn lành áo”; “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”… “Tiếng” ở đây chính là những nhận xét, đánh giá tốt đẹp của cộng đồng xã hội về một cá nhân nào đó. Tự trọng là coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình.
+ Đối với đất nước, người có lòng tự trọng là người yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của công dân, không làm ảnh hưởng xấu đến đất nước; tôn trọng, tự giác chấp hành luật pháp, chính sách, những qui định của cơ quan, đơn vị, địa phương.
+ Đối với mọi người, người tự trọng là người có tinh thần đoàn kết, tương trợ, tôn trọng, không xúc phạm người khác; không lợi dụng, ép buộc, lôi kéo, kích động.
+ Đối với gia đình, người tự trọng là người biết tôn trọng và thực hiện tốt quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng, gắn bó với các thành viên trong gia đình; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.
+ Đối với bản thân, người tự trọng là người tự giác thực hiện các nghĩa vụ của bản thân (người công dân, người cán bộ, người con, người mẹ…); không làm những việc không nên, không được làm, kể cả khi không ai biết. Biết xấu hổ, nhận khuyết điểm khi làm việc sai trái; nói đi đôi với làm, không phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm; tự chủ, tự lực, tự giác cao, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên.
Quá tự trọng dễ trở thành người ích kỷ, người tự cao hay tự ái. Thiếu tự trọng dễ bị sai khiến, làm theo người khác, kể cả việc sai trái.
Vậy, vì sao trong thời kỳ CNH, HĐH, người phụ nữ cần có phẩm chất “tự trọng” ?
- Người phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có phẩm chất tự trọng để tiếp nối truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, cũng là để góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam trước những thách thức của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập; đồng thời rèn luyện phẩm chất tự trọng góp phần đem lại giá trị đích thực cho con người, hướng con người sống thiện, sống đẹp. Lòng tự trọng giúp mỗi người ý thức được giá trị của bản thân và biết cách để bảo vệ danh dự của bản thân. Một người phụ nữ tự trọng là người không tự nhận đói nghèo mà phải biết vươn lên.
Vậy, để góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt Nam trước những thách thức của xu hướng toàn cầu hóa, người phụ nữ cần làm gì để giữ được lòng tự trọng?
- Coi trọng phẩm giá, danh dự của bản thân mình. Nói phẩm giá, danh dự là nói đến những cái quý giá nhất của mỗi con người, nó không chỉ có ý nghĩa về đạo đức mà rộng hơn cả là về năng lực, trình độ, cách ứng xử,... những yếu tố làm nên giá trị, tư cách của con người. Chính vì thế, tự trọng là phẩm chât đạo đức “gốc” của mỗi người.
- Phải ý thức được điều đúng, điều sai, quyết tâm vượt qua mọi cám dỗ để hành động theo lẽ phải. Người nữ nông dân tự trọng sẽ cần cù, chăm chỉ lao động sản xuất; đảm bảo vệ sinh an toàn trong sản xuất, không vì lợi mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Người nữ công nhân tự trọng có ý thức chấp hành pháp luật, không đình công bất hợp pháp, không bớt xén thời gian, sản phẩm, không gian dối trong lao động. Người nữ doanh nhân tự trọng luôn nêu cao đạo đức kinh doanh, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, không vì lợi nhuận mà buôn bán sản phẩm kém chất kượng, độc hại với người tiêu dùng, làm tổn hại danh dự của quốc gia... Nữ trí thức luôn giữ ý thức trung thực, tinh thần hợp tác và không ngừng nâng cao năng lực sáng tạo; nữ thanh niên muốn có lòng tự trọng thì phải luôn sống có lý tưởng, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp, có lối sống lành mạnh, có văn hóa...
- Không chỉ coi trọng, bảo vệ, giữ gìn danh dự của bản thân, gia đình mà còn có ý thức, trách nhiệm với những vấn đề của đất nước, của dân tộc, của cộng đồng. Rèn luyện lòng tự trọng nghĩa là rèn luyện cho mình bản lĩnh phân biệt cái đúng, cái sai và biết đứng về lẽ phải, bảo vệ hành động đúng, không thờ ơ, bàng quan, vô cảm trước cái xấu.
Với mỗi người Việt Nam thì lòng tự trọng cao nhất là tự tôn dân tộc. Một người tự trọng không bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của dân tộc, đất nước và cũng không bao giờ vì quyền lợi cá nhân mà làm tổn hại đất nước, dân tộc. Lòng tự trọng là yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân cách, hình ảnh của mỗi người.
--------------------------------
Chuyên đề 3: Phẩm chất “trung hậu” của người phụ nữ thời kỳ CNH - HĐH đất nước
Phụ nữ có vai trò và ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức trong mỗi gia đình và cộng đồng, việc rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, trong đó phẩm chất “Trung hậu” đã được nhiều chị em chú trọng rèn luyện. Hình ảnh của người phụ nữ Quảng Trị 20 năm ròng đằng đẵng thủy chung, đợi chờ trong những năm tháng đất nước bị chia cắt; hay hình ảnh Hòn vọng phu,… thể hiện tấm lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều phụ nữ thể hiện lòng nhân ái, sống có nghĩa, có tình, trung thực, thẳng thắn, sẵn sàng giúp đỡ người khác như chị: Cao Thị Nhàn ở thôn 5, thị trấn Bến Quan huyện Vĩnh Linh đã nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tận tình cụ già đã ngoài 80 sống độc thân tận tình, chu đáo như người thân của mình. Chị Nguyễn Thị Hoàn, hội viên phụ nữ thôn Rọoc, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh là người phụ nữ giàu lòng nhân ái, vượt qua khó khăn, đón cô chồng 63 tuổi bị bại liệt không đi lại được về nhà mình chăm sóc, phụng dưỡng. Chị Ngô Thị Hoa, Phan Thị Hà ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị đã vượt qua dòng nước xoáy để cứu sống 3 em bé…và còn biết bao nhiêu chị đã làm được những việc tốt để giúp đỡ người khác khi gặp những khó khăn hoạn nạn, thể hiện phẩm chất đạo đức “trung hậu” của người phụ nữ.
- Trung hậu: Là trung thực, nhân hậu trong quan hệ với mọi người
Biểu hiện của phẩm chất trung hậu thể hiện trước hết đó là lòng trung thành, chung thủy: Yêu nước, trung thành với Tổ quốc, nhân dân; chung thủy trong các mối quan hệ ( tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp). Trong đối nhân xử thế, trong quan hệ giữa người với người phải luôn đề cao tình nghĩa, coi trọng đạo lý làm người.
Người trung hậu còn là người nhân ái, sống có nghĩa có tình: Nhân ái, nghĩa tình là hạt nhân cơ bản trong tính cách người phụ nữ Việt Nam, tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp Việt Nam. Người trung hậu luôn luôn sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm, chia sẻ, “lá lành đùm lá rách”; không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác, coi trọng tình làng, nghĩa xóm, tình bạn bè, đồng nghiệp, sống hòa mình vào tập thể, có lòng vị tha, chấp nhận hy sinh bản thân khi hiểu rõ mục đích.
Người trung hậu cũng là người trung thực thẳng thắn, cương trực thể hiện sự công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người; không tham lam, vụ lợi.
Vậy, vì sao trong thời kỳ CNH, HĐH, người phụ nữ cần có phẩm chất “trung hậu”?
Bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế thị trường, có những mặt tích cực xen lẫn tiêu cực, trong đó cơ chế thị trường tạo môi trường cho chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa cá nhân và bạo lực phát triển toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng dẫn đến nhiều nguy cơ: Bản sắc văn hóa dân tộc dễ bị hao mòn, quan niệm về giá trị sống có thể thay đổi dẫn tới sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống; phát triển các loại tội phạm và tệ nạn xã hội…Môi trường cạnh tranh, tạo quá nhiều áp lực trong cuộc sống, tác động của văn hóa ngoại lai...Những tác động tiêu cực của thời kỳ CNH - HĐH như quá coi trọng lợi ích cá nhân, thích hưởng thụ, lối sống giả dối, thực dụng, chạy theo đồng tiền, sống buông thả…Vì vậy nếu không có phẩm chất “trung hậu” người phụ nữ dễ bị lệch chuẩn về đạo đức.
Phẩm chất trung hậu góp phần tạo cơ sở để xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, giúp phụ nữ thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước.
Người phụ nữ cần có phẩm chất trung hậu vì đó là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kì CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
“Trung hậu” là một trong những thước đo phẩm chất đạo đức của người phụ nữ. Để trở thành người trung hậu, người phụ nữ cần rèn luyện phẩm chất trong công việc, trong cuộc sống gia đình và trong mối quan hệ với cộng đồng.
- Trong công việc:
+ Đối với bản thân: Trung thực, đề cao đạo đức nghề nghiệp, suy nghĩ vì lợi ích chung, đấu tranh chống lại những hành vi làm ảnh hưởng đến lợi ích chung.
+ Đối với đồng nghiệp, bạn bè: Trung thực, thẳng thắn, vị tha, không kỳ thị, đố kỵ, không vì quyền lợi bản thân mà làm hại người khác. Công tâm, khách quan trong đánh giá; đối xử với đồng nghiệp, cấp dưới, góp ý cho đồng nghiệp, tương thân, tương ái, không tham lam, vụ lợi... Khi có mâu thuẫn, đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để suy xét mọi việc (với mình thì nghiêm khắc, với người thì nhân hậu). Khi có sai sót trong công việc, cần tìm nguyên nhân để phối hợp giải quyết.
- Trong cuộc sống gia đình:
+ Bản thân sống chung thủy, không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình người khác.
+ Đối với người thân trong gia đình: Trung thực trong các mối quan hệ, chân thành, nhân ái, yêu thương quan tâm đến các thành viên, có trách nhiệm tham gia hòa giải các mâu thuẫn... Quan tâm đến việc dạy dỗ con, cháu và gương mẫu với con, cháu trong việc rèn luyện các đức tính trung thực, nhân hậu, thủy chung.
- Trong mối quan hệ với cộng đồng: Hỗ trợ, giúp đỡ hàng xóm, những người khó khăn ở địa phưong: tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ những người có hoàn cảnh khó khăn. Chủ động tham gia hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng, xã hội. Bao dung, không kỳ thị, xa lánh những người có HIV người lầm lỗi trở về, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng.
Để gìn giữ và không ngừng phát huy phẩm chất “trung hậu”, mỗi một cán bộ, hội viên, phụ nữ phải tích cực học tập, rèn luyện theo phẩm chất, đồng thời là nòng cốt trong việc tuyên truyền để làm sao cho phẩm chất đạo đức trung hậu có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
---------------------
Chuyên đề 4: Phẩm chất “đảm đang” của người phụ nữ thời kỳ CNH - HĐH đất nước
Trong kháng chiến, phẩm chất đảm đang của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành mốc son chói lọi với phong trào “Ba đảm đang”: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Chính vai trò của người phụ nữ trong gia đình, xã hội buộc người phụ nữ phải đảm đang gánh vác công việc gia đình và công việc xã hội với đầy đủ lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm, từ đó đã tạo nên một phẩm chất đạo đức truyền thống vẻ vang.
Vậy, người phụ nữ đảm đang phải là người như thế nào?
Là những người biết lo toan, sắp xếp để thực hiện tốt cả công việc gia đình và xã hội.
* Người phụ nữ đảm đang trước hết là người có khả năng quán xuyến công việc gia đình tốt:
- Sắp xếp, phân công công việc cho các thành viên hợp lý, thu hút sự tham gia tích cực của các thành viên trong chia sẻ công việc gia đình.
- Chăm chỉ, sáng tạo trong lao động, tạo thu nhập ổn định đóng góp vào nguồn thu của gia đình.
- Tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình; quan tâm, chăm sóc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. chủ động tạo mối quan hệ yêu thương, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình.
- Chi tiêu hợp lý, có kế hoạch phù hợp điều kiện kinh tế gia đình, thực hành tiết kiệm.
* Người phụ nữ đảm đang còn biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội:
- Cần cù, sáng tạo trong lao động, công tác; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.
* Bố trí thời gian làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý.
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi học tập, nâng cao trình độ, chăm sóc bản thân. Tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thời gian học tập, tham gia vào các hoạt động xã hội, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.
Vì sao trong thời kỳ CNH - HĐH, người phụ nữ cần có phẩm chất “đảm đang” ?
Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, vừa thể hiện đúng thiên chức làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam, vừa khẳng định vị thế của họ trong cộng đồng. Phẩm chất đạo đức truyền thống đảm đang trong gia đình và xã hội của người phụ nữ Việt Nam là cơ sở tạo nên những truyền thống cao đẹp khác: cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong cuộc sống; truyền thống sáng tạo và giữ gìn văn hóa dân tộc... Chính sự đảm đang ấy đã góp phần khẳng định quyền bình đẳng của người phụ nữ, xác nhận địa vị, phẩm giá của người phụ nữ đối với gia đình và xã hội; nâng cao hơn nữa những năng lực, phẩm chất, đạo đức của họ trong thời đại mới.
Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kì CNH, HĐH, phẩm chất đảm đang sẽ giúp cho người phụ nữ thực hiện hài hòa hai vai: việc nhà, việc nước để vừa có cơ hội phát triển cho bản thân, vừa bảo toàn hạnh phúc gia đình. Phẩm chất đảm đang” là chìa khóa để người phụ nữ thể hiện sự năng động của người phụ nữ, mỗi gia đình rất cần đến đôi bàn tay và khả năng tổ chức cuộc sống một cách khéo léo, khoa học của người phụ nữ đảm đang, làm tròn thiên chức cao cả của người mẹ, làm người thầy đầu tiên của con, là cầu nối giữa các thế hệ trong gia đình, làm cân bằng tình cảm trong các mối quan hệ gia đình, họ tộc, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội, đóng góp cho quê hương, đất nước. Chính điều này đòi hỏi người phụ nữ cần phát huy phẩm chất đảm đang, có như thế mới dung hòa được các nhiệm vụ, vai trò của mình.
Phụ nữ cần làm gì để có được phẩm chất đảm đang ?
Trước những yêu cầu ngày càng cao của thời kì CNH, HĐH đất nước, để có được phẩm chất Đảm đang người phụ nữ cần phải cố gắng nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Trước hết, mỗi một phụ nữ cần nhận thức đúng, đầy đủ về phẩm chất “đảm đang” và sự cần thiết phải rèn luyện để có được những phẩm chất đó. Sẵn sàng vượt qua khỏi định kiến giới, vượt qua những trở ngại khó khăn hoàn cảnh của gia đình, bản thân.
- Trong công việc: Sắp xếp công việc hợp lý, tìm cách cải tiến quy trình làm việc để tăng năng suất, hiệu quả. Tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ... Dành thời gian học hỏi từ sách báo, truyền hình, từ các nguồn thông tin sẵn có để nâng cao hiểu biết, kiến thức và kỹ năng trong công việc.
- Trong cuộc sống gia đình: Sắp xếp công việc hợp lý, phân công việc gia đình cho các thành viên khác trên cơ sở tôn trọng ý kiến, khả năng của các thành viên để mọi người đều tham gia công việc gia đình và được nghỉ ngơi, có thời gian chăm sóc nhau. Bàn bạc với các thành viên trong gia đình để thực hành tiết kiệm, lên kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Trải qua bao thời kỳ, với thiên chức làm mẹ, làm vợ, hình ảnh người phụ nữ “đảm đang” mãi là hình ảnh đẹp, phẩm chất đó phụ nữ chúng ta luôn giữ gìn, phát huy, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp.