Phụ nữ Quảng Trị chung tay vì một cộng đồng không còn nạn nhân mua bán người
Với đặc điểm vị trí địa lý nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông -Tây, có trục đường Xuyên Á đi qua, Quảng Trị trở thành địa bàn có nguy cơ cao về các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, mua bán người...làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của phụ nữ, trẻ em. Đáng chú ý, tình trạng chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em, mua bán trẻ em, phụ nữ, đưa người trái phép ra nước ngoài đã xảy ra ở một số địa phương trong tỉnh như Gio Linh, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng…
Theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng, tính đến tháng 5/2014, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 6 nhóm đối tượng thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, trong đó đưa sang Trung Quốc 5 vụ gồm 10 đối tượng và đưa sang Lào 1 vụ gồm 2 đối tượng. Tổng số phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Trung Quốc là 30 nạn nhân. Qua công tác nắm tình hình và công tác phối hợp giữa cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh cho thấy có rất nhiều phụ nữ và trẻ em của tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khác bị đưa sang Lào với nhiều mục đích khác nhau như: Cắt tóc gội đầu, mại dâm, tiếp viên nhà hàng, khách sạn... Trước nạn mua bán người đang diễn biến ngày càng phức tạp, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã nỗ lực cùng với các ban, ngành, đoàn thể chung tay vì một cộng đồng không có nạn nhân mua bán người.
Hội xác định phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội; sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ gắn liền sự phát triển bền vững của mỗi gia đình, vì thế xây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội, trong đó Hội Phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền giáo dục gia đình. Đặc biệt hỗ trợ phụ nữ kiến thức phòng chống tội phạm mua bán người, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp Hội Phụ nữ. Phát huy vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người. Hội chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chủ trương, nội dung Đề án 01 về “Tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng về phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em”; thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 giữa Bộ Công an và Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới” và Nghị quyết số 09 về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các cơ quan chức năng triển khai hoạt động phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm và mua bán người gắn với thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Chỉ đạo triển khai thực hiện 3 đề án lớn của Hội: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”.

Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh và tổ chức Tầm nhìn thế giới tổ chức "Đối thoại chính sách về đi làm việc ở nước ngoài an toàn và phòng, chống mua bán người" tại tỉnh Quảng Trị
Để công tác phòng, chống mua bán người đạt chất lượng, hiệu quả cao, Hội đã chú trọng công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hội. Hơn 170 cán bộ hội phụ trách công tác phòng, chống mua bán người được trang bị kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống mua bán người; phân công cán bộ trực tiếp về cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện, nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em, các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng biển. Chú trọng cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao, phụ nữ từ 18- 35 tuổi chưa có gia đình, học vấn thấp, những người chuẩn bị đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài, trẻ em mồ côi, cha mẹ ly hôn, ly thân, gia đình nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Công tác phòng ngừa được Hội triển khai thực hiện với những nội dung trọng tâm: Giáo dục về các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm, di cư an toàn, hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi người nước ngoài, xuất nhập cảnh, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Qua đó nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho hội viên, phụ nữ. Từ năm 2011 đến nay, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục như: Hội thi, hái hoa dân chủ, lồng ghép tuyên truyền nội dung phòng chống mua bán người trong các buổi sinh hoạt hội, các câu lạc bộ, nhóm “Tương hỗ”, nhóm “Phụ nữ tiết kiệm tín dụng”... cho hơn 5.000 lượt hội viên, phụ nữ; mở 120 lớp tập huấn, điểm truyền thông cho hơn 7.300 hội viên, phụ nữ; tổ chức 49 cuộc nói chuyện chuyên đề, hội thảo, hội thi, toạ đàm, hái hoa dân chủ, liên hoan văn nghệ ở các câu lạc bộ; đồng thời cấp phát tờ rơi đến tận hội viên phụ nữ với chủ đề: “Đoàn kết phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em tại cộng đồng”. Các cấp hội phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp chị em và người dân trên địa bàn hiểu rõ các thủ đoạn của bọn tội phạm, nguyên nhân, hậu quả của nạn buôn người để chủ động phòng ngừa; đăng tải nội dung phòng, chống mua bán người trên 3.400 cuốn Thông tin Bình đẳng giới của Hội cấp phát miễn phí, làm tài liệu sinh hoạt hội viên.
Bên cạnh tinh thần phát huy nội lực là chính, Hội còn tranh thủ sự hỗ trợ của Chương trình Tầm nhìn thế giới, chương trình mục tiêu quốc gia; Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) chủ động phối hợp tổ chức hội thảo “Phòng, chống mua bán người năm 2012” giữa phụ nữ 3 tỉnh: Quảng Trị (Việt Nam), Savannakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan); đối thoại chính sách về đưa người đi lao động nước ngoài và phòng ngừa mua bán người với hơn 300 đại biểu, người dân và học viên của Trường Trung cấp nghề Quảng Trị; tổ chức hội thi với chủ đề “Phòng ngừa mua bán người và bình đẳng giới” tại các xã Triệu Thượng, Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Trung; mở 28 lớp tập huấn kiến thức di cư lao động sang Lào an toàn cho 1.400 người là đối tượng di cư tiềm năng thuộc huyện Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa.
Hoạt động này giúp các học viên tăng cường nhận thức về quyền của mình thông qua các chương trình định hướng trước và sau khi đi lao động sang Lào; chia sẻ, thảo luận các câu chuyện tình huống về những rủi ro, khó khăn gặp phải trong quá trình di cư để có thêm những trải nghiệm cho bản thân khi quyết định di cư. Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng bằng cách duy trì và phát triển 603 CLB, tổ phụ nữ “Quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Trợ giúp pháp lý”, “Quản lý học sinh chậm tiến”; xây dựng 82 mô hình dịch vụ gia đình; 483 “Địa chỉ tin cậy” tại 121 xã, phường, thị trấn để hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cho nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình về nơi tạm lánh; thực hiện có hiệu quả mô hình phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em tại phường 2, thị xã Quảng Trị; xã Gio An, huyện Gio Linh và xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng. Công tác tuyên truyền, giáo dục của các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, hội viên phụ nữ; giúp chị em chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh với tội phạm mua bán người.
Yếu tố có ý nghĩa then chốt của vấn đề là khi có việc làm ổn định, không quá bị thúc bách về vấn đề thu nhập, con người sẽ không bị rơi vào tình trạng “nhắm mắt đưa chân”. Hơn nữa, có việc làm không chỉ giúp con người có thu nhập mà còn góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về mọi mặt, trong đó có nhận thức về các hoạt động lừa đảo nói chung và lừa gạt phụ nữ, trẻ em nói riêng nên Hội chú trọng công tác hỗ trợ nâng cao đời sống cho các nhóm đối tượng phụ nữ nghèo, thiếu việc làm; quan tâm đến chị em bị mua bán trở về để động viên, giúp đỡ họ tái hoà nhập với cộng đồng. Để tạo việc làm tại chỗ cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng di cư không an toàn, phòng ngừa tình trạng nạn nhân bị mua bán người, Hội đã mở 4 lớp tin học A cho 60 phụ nữ nghèo, các lớp trồng rau sạch, đào tạo nghề may, uốn tóc, chế biến món ăn… cho con em, hội viên, phụ nữ thiếu việc làm, có hoàn cảnh khó khăn.
Hội LHPN tỉnh xây dựng mô hình trồng cây thanh long tại một số xã miền núi, hỗ trợ lạc, thóc giống, phân bón, máy gieo lúa cho phụ nữ nghèo miền núi. Xây dựng hơn 300 mô hình làm kinh tế giỏi; phát triển mô hình Phụ nữ tiết kiệm, tiết kiệm vốn vay thôn bản, tín chấp, tạo điều kiện cho chị em tiếp cận các nguồn vốn, đến nay tổng số vốn qua kênh của Hội trên 750 tỷ đồng cho chị em vay. Tư vấn cho các nạn nhân khi trở về được hỗ trợ nơi ăn ở an toàn, tham vấn tâm lý- xã hội, chăm sóc y tế, tư vấn, can thiệp pháp lý, học văn hóa, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vui chơi giải trí, phát triển kỹ năng sống và phát triển thể lực, hỗ trợ thiết bị nghề, hỗ trợ vốn ban đầu. Hội đã tranh thủ tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ cho hai nạn nhân bị buôn bán trở về mỗi chị 10 triệu đồng để kinh doanh hàng tạp hoá, áo quần. Các chi hội, tổ phụ nữ có đối tượng phụ nữ bị mua bán trở về phân công chị em đến động viên, giúp ngày công, giúp giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ 22,5 triệu đồng cho chị em vay để làm ăn. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vay giúp chị em có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hưởng ứng chiến dịch truyền thông “Phòng, chống mua bán người tại biên giới Việt Nam- Lào năm 2014”, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh tích cực hưởng ứng, tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như: Phối hợp xây dựng kế hoạch thực hiện chiến dịch, triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ và người dân trong cộng đồng. Tham mưu cho BCĐ của tỉnh tổ chức thực hiện Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống mua bán người tại huyện Hướng Hóa, thực hiện các hoạt động theo yêu cầu đề ra. Chỉ đạo Hội Phụ nữ cơ sở mở các điểm truyền thông, tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội, các câu lạc bộ, các nhóm “Phụ nữ tiết kiệm, tín dụng”, nhóm “Tương hỗ”, nhóm “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”…, thảo luận, liên hoan văn nghệ với chủ đề phòng, chống mua, bán người; có hình thức phù hợp để nắm bắt tình hình, phát hiện, tố giác, báo tin, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống buôn bán người.
Nắm bắt số nạn nhân bị buôn bán tại địa bàn là hội viên phụ nữ để có các hình thức động viên, tư vấn tâm lý, hỗ trợ phát triển kinh tế giúp chị em hoà nhập cộng đồng. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ nghèo, chưa có việc làm, gắn với việc thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2010- 2015” ở địa phương, nhằm loại trừ nguyên nhân của tình trạng mua bán người từ yếu tố kinh tế; tăng cường các hoạt động giảm nghèo, góp phần giảm thiểu tình trạng buôn bán người; vận động chị em tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người do địa phương tổ chức. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo Hội LHPN huyện Hướng Hóa tổ chức các hoạt động, vận động hội viên, phụ nữ tham gia hưởng ứng chiến dịch truyền thông, quan tâm đến các xã biên giới, tuyến đường chính của huyện Hướng Hóa.
Với những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống mua bán người. Tin tưởng rằng, với vai trò, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ góp phần tích cực cùng toàn xã hội ngăn ngừa và làm giảm tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em trên địa bàn, chung tay vì một cộng đồng không còn nạn mua bán người, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa phương.
Phương Thiện- Báo Quảng Trị