Bài viết không tồn tại
Nâng cao hiệu quả phòng ngừa nạn mua bán người
Cập nhật 17/07/2014 Lượt xem 5813

Trong những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người ở Quảng Trị tuy không diễn biến phức tạp như một số tỉnh, thành phố lớn khác, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt- Trung và Việt Nam- Campuchia, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan rộng với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, xâm hại đến danh dự, nhân phẩm và cả tính mạng của con người, tập trung vào đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Điểm đáng chú ý là bọn tội phạm buôn bán người thường lợi dụng tâm lý người dân ở vùng sâu, vùng xa không có công ăn việc làm ổn định để dụ dỗ, lừa gạt, hứa hẹn tìm kiếm việc làm với mức thu nhập cao ở các thành phố lớn trong nước hay ở nước ngoài, sau đó lừa bán cho các tụ điểm mại dâm hoặc cưỡng ép lao động bất hợp pháp. Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh thời gian qua đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống mua bán người, tuy nhiên rất nhiều người dân vẫn nhẹ dạ, cả tin vào những lời hứa hẹn đường mật đó, hậu quả bị sa vào những đường dây mua bán người của bọn tội phạm.


Hội thảo nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng, tính đến nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 6 nhóm đối tượng thực hiện hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, trong đó đưa sang Trung Quốc 5 vụ gồm 10 đối tượng và đưa sang Lào 1 vụ gồm 2 đối tượng. Tổng số phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Trung Quốc là 30 nạn nhân; còn số phụ nữ và trẻ em bị mua bán sang Lào chưa xác định được, nhưng qua công tác nắm tình hình và công tác phối hợp giữa cơ quan Công an và Bộ đội Biên phòng tỉnh cho thấy có rất nhiều phụ nữ và trẻ em của tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khác bị đưa sang Lào với nhiều mục đích khác nhau như: mại dâm, tiếp viên nhà hàng, khách sạn, cơ sở massage, cắt tóc gội đầu…, nếu khách có nhu cầu mua dâm thì phục vụ.

Trên thực tế đã diễn ra việc mua bán người sang Lào, nhưng do địa hình phức tạp và phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm rất tinh vi, nên công tác thu thập chứng cứ các vụ mua bán người còn gặp nhiều khó khăn. Bộ đội Biên phòng tỉnh thông qua công tác trinh sát và ngoại giao đã điều tra xử lý và tiếp nhận nhiều đối tượng và nạn nhân tại biên giới Việt- Lào, nhưng chưa làm rõ được hành vi mua bán người mà chỉ khởi tố về các tội danh khác. Số liệu thống kê trên hai tuyến biên giới của tỉnh những năm gần đây đã có 18 phụ nữ đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo các đường dây trái phép, chưa rõ mục đích.

Bên cạnh đó, năm 2011, một nhóm đối tượng đã đưa 35 người ở hai xã Cam Chính, Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ); năm 2012, một nhóm đối tượng khác đưa 7 người dân ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) và gần đây nhất (năm 2013), Bộ đội Biên phòng đã kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và bắt một đối tượng đưa, đón 119 lao động ở địa bàn thị trấn Cửa Việt, Gio Hải (huyện Gio Linh) sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Trong số các lao động bị lừa gạt đi lao động ở Trung Quốc, chỉ có 1/3 số người có làm hộ chiếu xuất cảnh theo hình thức đi tham quan du lịch, còn lại không có giấy tờ xuất cảnh mà đi theo con đường tiểu ngạch. Số người trên khi đi qua Trung Quốc thì khó có thể trở về Việt Nam, vì không có hộ chiếu hoặc hộ chiếu hết hạn, điều đó cũng không loại trừ sẽ bị buôn bán hoặc cưỡng bức lao động. Tình trạng dụ dỗ, lừa gạt các cô gái trẻ tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh khác qua Lào bán cà phê, phục vụ trong nhà hàng, khách sạn, cơ sở massage, sau đó ép các cô gái bán dâm vẫn xảy ra, cùng với đó tiềm ẩn nguy cơ người lao động bị bắt buộc làm việc trong điều kiện dưới chuẩn hoặc bị cưỡng ép lao động.

Để góp phần ngăn chặn tội phạm mua bán người, thời gian qua, UBND tỉnh và Tổ chức Tầm nhìn thế giới quốc tế tại Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai các hoạt động của Dự án Bảo vệ nạn nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và Chương trình chấm dứt mua bán người (Dự án phòng ngừa) tại địa bàn huyện Hướng Hóa. Theo đó, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Chương trình chấm dứt mua bán người, Sở Ngoại vụ, tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân và cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cũng đã tổ chức 48 hội nghị lồng ghép tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý và Luật Phòng, chống mua bán người cho 2.615 người dân tham gia.

Thông qua các lớp tập huấn, người dân được nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống mua bán người; nắm được thông tin về tình hình diễn biến tội phạm mua bán người để nâng cao cảnh giác đối với các thủ đoạn của bọn tội phạm; đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã trong việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, huy động các tổ chức, đoàn thể xã hội, nhất là Hội Phụ nữ tham gia thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về. Lực lượng Công an, Biên phòng giữa hai nước Việt Nam- Lào cũng đã ký kết nhiều biên bản phối hợp trong công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, thiết lập đường dây nóng, tiến hành phối hợp khảo sát nắm tình hình để phòng, chống tội phạm mua bán người giữa tỉnh Quảng Trị với 3 tỉnh Salavan, Savannakhet, Chămpasăc của nước bạn Lào.

Về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, Sở LĐ,TB & XH phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và Hội LHPN tỉnh ở địa phương tổ chức thực hiện theo hướng phân loại đối tượng, sắp xếp chỗ tạm trú, tư vấn, động viên nạn nhân, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương nơi nạn nhân cư trú, hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đi đường để nạn nhân trở về quê theo nguyện vọng. Trong 30 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc, có 25 nạn nhân đã được giải cứu trở về Việt Nam. Sở LĐ,TB&XH phối hợp với Công an tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ cho 6 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn một số vốn để buôn bán, làm ăn vươn lên trong cuộc sống. Chương trình chấm dứt mua bán người cũng đã tài trợ kinh phí hỗ trợ sinh kế cho 4 nạn nhân bị buôn bán trở về ở huyện Hải Lăng và thị xã Quảng Trị.

Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của các nạn nhân khi trở về địa phương đã cơ bản ổn định. Hiện còn 5 nạn nhân bị mua bán sang Trung Quốc chưa trở về địa phương, tuy nhiên, do không có thông tin chính xác về họ nên công tác giải cứu nạn nhân chưa thực hiện được. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chi hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đi đường cho 6 nạn nhân ở các tỉnh: An Giang, Đồng Nai, Tp Hồ Chí Minh, Hà Tây, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam trở về quê theo quy định.

Tình hình tội phạm mua bán người hiện nay do nhiều yếu tố tác động, diễn biến phức tạp và có chiều hướng lan rộng với nhiều hoạt động trá hình trong các loại hình kinh doanh, dịch vụ, thông qua dịch vụ việc làm. Bên cạnh những nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của các cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương, thì bản thân mỗi một người dân cần chủ động tăng cường nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng tham gia công tác phòng chống mua bán người, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời, lồng ghép nội dung phòng ngừa mua bán người vào các chương trình kinh tế- xã hội, thực hiện có hiệu quả chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách việc làm… nhằm nâng cao điều kiện sống của nhân dân là biện pháp hữu hiệu để hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện của tình trạng mua bán người hiện nay.

 

Khánh Ngọc- Báo Quảng Trị


Hình aûnh

Video chuyên mục thanh niên

  • Nhịp sống trẻ số 86

    Nhịp sống trẻ số 85

    Nhịp sống trẻ số 84

    Xem tiếp
  • Kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

    CHUYÊN MỤC - CHUYÊN ĐỀ

    LIÊN KẾT WEBISTE

    THỐNG KÊ TRUY CẬP

    Đang online : 145
    Tổng truy cập : 9,657,303
      Phóng sự ảnh