Thực tế cho thấy, một trong những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ ở khu vực nông thôn là cần được nâng cao trình độ, tiếp cận các thành tựu KHKT, các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp họ phát huy được trí tuệ, tinh thần năng động, sáng tạo để phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT theo hướng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nông thôn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời thực hiện công bằng xã hội về cơ hội học nghề cho mọi lao động nông thôn, bảo đảm các điều kiện để người phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng các nguồn vốn tín dụng, thông tin thị trường, cơ hội tham gia sản xuất kinh doanh. Chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo năng lực và đào tạo theo nhu cầu học nghề của người phụ nữ phù hợp với trình độ học vấn, thực tế mỗi địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; thực hiện công tác hỗ trợ tạo việc làm sau đào tạo bằng nhiều giải pháp cụ thể như xây dựng các mô hình phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, hỗ trợ vốn vay sau đào tạo… Từ đó góp phần nâng cao chất lượng lao động nữ, tạo cơ hội để người phụ nữ tìm kiếm và tạo việc làm có thu nhập ổn định, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho người Vân Kiều, Pa Kô ở Đakrông
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Quảng Trị, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011-2015”, Hội LHPN tỉnh đã mở hơn 110 lớp đào tạo nghề cho hơn 3.376 hội viên, phụ nữ, trong đó hơn 2.644 người được cấp chứng chỉ nghề về kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật trồng ném, nấm rơm, rau sạch, phát triển chăn nuôi.
Sau đào tạo nghề, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tín chấp với các ngân hàng và huy động nguồn tiết kiệm từ các mô hình TK-TD, tranh thủ các nguồn lực để cho chị em vay vốn, đầu tư mở rộng và phát triển các mô hình kinh tế. Số phụ nữ nghèo được vay vốn tăng qua từng năm, từ 86,7% (năm 2012) lên trên 87% (năm 2013). Bên cạnh đó, các cấp hội đã xây dựng được 138 tổ hợp tác trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh dịch vụ. Sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời đó là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thành công của người phụ nữ trên con đường lập nghiệp.
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi trở lại thăm gia đình chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Thâm Khê (Hải Khê, Hải Lăng). Chị Thủy đã không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên miền quê cát trắng với mô hình kinh tế chăn nuôi cho thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị cho biết: “Lập nghiệp từ muôn vàn khó khăn, thách thức nên cũng như nhiều phụ nữ khác, bản thân tôi rất mong muốn có sự trợ lực đặc biệt từ các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể. Những thành quả có được hôm nay là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, tạo điều kiện cho tôi được tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn trồng trọt, chăn nuôi, tham quan các mô hình kinh tế cao và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi”.
Trên nhiều vùng miền khác nhau trong toàn tỉnh, những tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo xuất hiện ngày càng nhiều. Họ đã vượt qua những định kiến về giới và không còn trông chờ, phụ thuộc, luôn biết vươn lên, kề vai sát cánh cùng chồng con trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Pỉ Thiết ở thôn A Ho (xãThanh, Hướng Hoá) cho biết: “Ngày trước, vì không có nhiều kiến thức, không có điều kiện học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, cùng với đó là những tập tục lạc hậu, định kiến đè nặng trên đôi vai người phụ nữ miền núi, khiến tôi không thể vươn lên nổi. Cuộc đời tôi chính thức bước sang trang mới khi được tham gia lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT, vay các nguồn vốn ưu đãi qua nhiều kênh khác nhau. Nhờ đó cuộc sống gia đình tôi đã có nhiều thay đổi. Hàng năm, mô hình kinh tế tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ của tôi cho thu nhập trên 110 triệu đồng”.
Điều đáng quý ở những tấm gương phụ nữ vượt lên chính mình, phát triển sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao là họ luôn sống hết mình với những người phụ nữ nghèo bằng những việc làm thiết thực như giúp đỡ về nguồn vốn, KHKT… tạo cơ hội, điều kiện giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. Trong những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ và các hội viên đã triển khai nhiều biện pháp giúp đỡ cho 17.179 hộ phụ nữ, trong đó có 1.479 hộ được nhận đỡ đầu đã thoát nghèo bền vững.
Những sự trợ lực đặc biệt của các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể cùng sự nỗ lực của bản thân, người phụ nữ đã từng bước nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Những thành quả đó thật đáng ghi nhận và cần được nhân rộng nhiều hơn nữa để những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn học tập, noi theo.
Trong thời gian tới, cần có nhiều hơn các chủ trương, chính sách kịp thời cho người phụ nữ, trong đó, cần nhấn mạnh đến công tác vận động, tuyên truyền cho người phụ nữ hiểu tầm quan trọng của việc học nghề để họ tự nguyện tham gia, trang bị cho mình nhiều kiến thức cần thiết, phát huy nội lực trong sản xuất, kinh doanh. Công tác đào tạo nghề phải dựa vào nhu cầu của thị trường, khả năng hành nghề của học viên và kế hoạch phát triển KT-XH ở từng địa phương.
Đặc biệt sau khi người phụ nữ học xong nghề, các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể cần triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ như xây dựng mô hình tạo việc làm, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, đầu ra ổn định cho sản phẩm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi… Những việc làm đó sẽ tiếp thêm động lực giúp người phụ nữ phát huy hơn nữa trí tuệ, sức lực và nguồn lực trong phát triển sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, có nhiều đóng góp quan trọng, đáp ứng yêu cầu CNH- HĐH đất nước.
Hoài Nhung- Báo Quảng Trị